CUỘC SỐNG TRUNG ĐẠO
19 Tháng 02
Đăng bởi:  NGUYỄN VĂN TIẾN

CUỘC SỐNG TRUNG ĐẠO

Hai thái cực của cuộc sống con người Đối với người sống theo sự hướng dẫn của Phật pháp thì hai c...

Hai thái cực của cuộc sống con người

Đối với người sống theo sự hướng dẫn của Phật pháp thì hai cực, một bên là tánh không, một bên là hiện tượng sinh diệt ảo hóa. Trung đạo là con đường ở khoảng giữa hai cực.

Tánh không là bản thể của vũ trụ vạn vật, không có không gian, không có thời gian, không có số lượng, không có cái gì là chân thật cả, từ vũ trụ vạn vật, sông núi, sinh vật, con người, nhà cửa, đường sá, xe cộ, máy bay, tàu thủy, vật chất, năng lượng…tất cả đều là do tâm tạo, tâm tưởng tượng ra chứ không phải tuyệt đối có thật, khách quan. Điều này tuyệt đại đa số mọi người, kể cả một số nhà khoa học, không hình dung nổi, không tin nổi.      

Cuộc sống ảo hóa sinh diệt thì tất cả mọi người đều quá quen thuộc. Tất cả mọi cảnh giới vật chất và tinh thần của con người mà tuyệt đại đa số nhân loại đều cho là thật, đều chấp là thật và đều khổ vì sự chấp thật đó. Người đời đều thấm thía nỗi khổ, tới mức họ phát ra nhận thức : Người Việt nói : Đời là bể khổ. Người Hoa nói : 生活是苦难的 (Sinh hoạt thị khổ nạn đích= cuộc sống là khổ nạn). Người Anh, Mỹ nói : Life is the sea of the sufferings of birth and death. (Đời là biển khổ của sinh và tử). Người Nga nói : жизнь страдает от недостатка (Cuộc sống đau khổ vì thiếu thốn). Đây không phải là dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia mà là sự nhận thức của các dân tộc và họ phát biểu thành lời nói. Chúng ta tạm lấy những phát biểu của một số dân tộc đông người trên thế giới để thấy rằng cuộc đời là đau khổ.

Đối chiếu lại với tình hình thực tế của thế giới, chúng ta thấy rằng nhân loại hiện nay đã và đang đau khổ như thế nào ?

Trong mấy năm đại dịch covid-19 vừa qua, trên toàn cầu số người chết vì covid theo con số thống kê được là 6.780.000 người. Nhưng con số thực tế có thể gấp bội con số trên bởi vì rất nhiều trường hợp người dân nhiễm bệnh và chết mà không khai báo, không ai nắm được nên không thể thống kê chính xác được.

Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina đã kéo dài được một năm, đã có hàng trăm ngàn lính hai bên tử trận, hàng trăm ngàn cha mẹ vợ con của họ đau đớn khóc than cho các tử sĩ. Hai bên đã bỏ ra hàng trăm tỉ USD để trang bị vũ khí đánh giết lẫn nhau, gây đau khổ cho nhau. Đất nước Ukraina tan hoang, hàng chục triệu dân phải đi tha phương cầu thực, hàng chục triệu người dân khác còn ở lại trong nước chịu đói rét, không điện, không nước sạch, không thể liên lạc với bên ngoài, thiếu thốn trăm bề vì cơ sở hạ tầng cho đời sống đã bị phá hủy vì bom đạn.    

Theo hãng tin AP, hôm 6/2/2023, một trận động đất mạnh 7,9 độ richter đã xảy ra tại miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, tâm chấn nằm ở thị trấn Pazarcik thuộc tỉnh Kahramanmaras. Sau trận động đất, các khu vực xung quanh tiếp tục chao đảo vì 6 đợt dư chấn mạnh. Phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Syria là hai nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận động đất.

Cho tới trưa ngày  13-02-2023, số người chết vì động đất đã lên đến hơn 34.000 người. Các quan chức và nhân viên y tế cho biết 29.605 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 4.574 người chết ở Syria.    

Theo Phật pháp ở mức độ cao nhất gọi là tối thượng thừa thì Nhất thiết duy tâm tạo tức là tất cả đều là do tâm tạo, tâm tưởng tượng ra tất cả mọi cảnh giới, kể cả cảnh an cư lạc nghiệp, mọi người sống bình an sung sướng; và cảnh thiên tai như động đất, sóng thần, bão tố, lũ lụt, hay cảnh nhân họa như chiến tranh Nga-Ukraina đang xảy ra, đều là do tâm tạo ra. Có nghĩa là vật chất là do tâm tạo, vũ trụ vạn vật, mặt trời, mặt trăng, trái đất đều là do tâm tạo chứ không phải là sự thật khách quan. Điều này khác với nhận thức của Einstein, ông nhầm lẫn khi nói rằng :

“Tôi thích nghĩ rằng Mặt trăng vẫn ở đó ngay cả khi tôi không đang nhìn nó”

Ý của Einstein là Mặt trăng là vật thể khách quan có thật, dù ta có nhìn nó hay không nhìn thì nó vẫn ở đó. Tuy nhiên sự thật không phải vậy. Mặt trăng cấu tạo bằng vô số hạt cơ bản như quark, proton, neutron, electron, nguyên tử, phân tử v.v…Những hạt cơ bản này không phải lúc nào cũng hiện hữu, chúng chỉ xuất hiện trong tâm thức của sinh vật, của con người chứ không phải lúc nào cũng có sẵn. Nếu không có người nhìn hay quan sát đo đạc thì những hạt cơ bản này chỉ là sóng vô hình và chúng ở khắp mọi nơi chứ không phải ở một chỗ. Và sóng này thì không có đặc điểm, đặc trưng gì cả, nghĩa là chúng không có vị trí (position), không có khối lượng (masse), không có điện tích (electric charge), không có độ xoay (spin) và không có cấu trúc nguyên tử, phân tử gì cả. Cái bản chất này thì kinh điển gọi là Nhất thiết pháp vô tự tính (tất cả các pháp đều không có đặc trưng, đặc điểm gì cả). Chỉ khi có tâm niệm của chúng sinh khởi lên thì đặc trưng mới xuất hiện và chúng mới biến thành hạt vật chất, và tùy theo tâm niệm cộng nghiệp, biệt nghiệp của chúng sinh mà các hạt cơ bản mới có đặc trưng như  có vị trí từ đó tạo ra không gian, và chúng chuyển động từ đó tạo ra thời gian. Như vậy vật chất, không gian, thời gian chỉ là tâm niệm chứ không phải sự thật tuyệt đối.

Và cũng không phải chỉ có Phật pháp nói, mà các nhà khoa học tiên tiến nhất cũng có nói. Chẳng hạn nhà khoa học nổi tiếng Niels Bohr nói : Hạt cơ bản khi bị cô lập thì trừu tượng. “Isolated material particles are abstractions”. Bị cô lập tức là tách khỏi sự nhận thức của chủ thể, của con người. Thí nghiệm hai khe hở (Double slit experiment) nổi tiếng đã chứng tỏ cho sự nhận định này của Bohr.   

Double Slit Experiment – Thí Ngiệm Hai Khe Hở – Phụ đề Việt ngữ

Khoa học hiện đại, nhất là cơ học lượng tử đã xác nhận rằng quan điểm của Bohr là đúng đắn (hạt cơ bản khi ở dạng sóng khi bị cô lập không có người quan sát thì là trừu tượng (abstractions) không phải là vật. Còn quan điểm của Einstein (hạt cơ bản luôn luôn có sẵn đặc trưng) là sai. Như vậy trong vũ trụ không có cái gì là khách quan cả kể cả toán học cũng chỉ là chủ quan chứ không phải là khách quan. Ví dụ toán học có đẳng thức mà họ cho là chắc nịch :

1+1=2

1 (một) là gì ? Nhiều quan điểm triết học cũng như Phật pháp đều nói rằng : Một là tất cả. Tất cả chúng sinh chỉ là một tâm. Phật pháp có nguyên lý bất nhị (không hai).  Thuyết Big Bang về sự thành lập vũ trụ cũng nói : Vũ trụ khởi nguyên chỉ là một hạt cực vi hay còn gọi là điểm kỳ dị (singularity), có thể coi nó là một hạt cơ bản sơ khai và nó biến thành vô số hạt trong vũ trụ. Như vậy vũ trụ phải là ảo.  

Thí nghiệm về liên kết lượng tử (quantum entanglement) cũng nói một hạt photon có thể xuất hiện đồng thời ở vô số vị trí khác nhau trong không gian. Như vậy 1, 2, số ít (singular) hay số nhiều (plural) chỉ là những khái niệm chủ quan tùy tiện của toán học, chẳng có gì là khách quan cả. Nghĩa là con số 1,2 v.v…chỉ là tâm niệm do con người gán ghép chứ không phải sự thật. Ví dụ chúng ta có một tấm ảnh, chúng ta đưa nó lên facebook, vậy thì bao nhiêu người có thể nhìn thấy ? nó sẽ trở thành bao nhiêu tấm ảnh ? Tương tự như vậy, nếu chúng ta có một cái bánh, đưa lên mạng thì nó sẽ trở thành bao nhiêu cái bánh ? Bây giờ thì nhân loại chưa đưa được cái bánh lên mạng, nhưng tương lai, ai dám nói rằng sẽ không bao giờ đưa được cái bánh lên mạng ?   

Những người theo pháp môn Niệm Phật của Tịnh Độ tông tin rằng ở thế giới Tây phương cực lạc chúng sinh có thể dùng tâm niệm để tạo ra nhà cửa cung điện, thực phẩm, quần áo. Điều đó hoàn toàn có cơ sở khoa học chứ không phải chỉ là niềm tin tôn giáo. Trong thế giới của chúng ta ngày nay cũng có một số các nhà khoa học tin rằng vũ trụ là số, vũ trụ có bản chất là thông tin. Khi con người chế tạo được máy tính lượng tử cực mạnh thì họ có thể biến thông tin thành vật chất. Thế có nghĩa là con người trong tương lai có thể dùng máy in lượng tử để in ra tất cả những thứ mà con người cần dùng, từ lương thực thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ dùng, nhà cửa, xe cộ với số lượng không hạn chế, có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, không một người nào bị bỏ lại, vì họ đã ứng dụng được nguyên lý không có số lượng.   

Ý nghĩa của con số        

Con số hay số lượng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không phải chỉ liên quan tới toán học, kế toán mà thôi. Con số là toàn bộ cuộc sống của con người. Con số hay số lượng cũng chính là tâm. Không gian cũng là tâm, thời gian cũng là tâm, vật chất cũng là tâm được con số diễn tả. Ví dụ chúng ta nói : Tôi có một cái nhà, một cái xe máy, một cô vợ và hai đứa con. Tôi (ngũ uẩn ngã), cái nhà, cái xe, vợ, con. Tất cả đều là tâm thức và đều có thể biểu thị bằng con số. Tất cả tri thức, tâm niệm của con người cũng đều có thể biểu hiện bằng con số. Hiện nay, công cụ Chat GPT (Generative Pre-training Transformer), sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là dự án được phát triển bởi OpenAI, một công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo có đội ngũ sáng lập bao gồm tỷ phú công nghệ Elon Musk, đang gây sốt trên toàn cầu là một thí dụ.

Những con số cơ bản của hệ nhị phân 0 và 1 có thể biểu diễn cho tất cả những thứ đó. Đương nhiên số lượng con số là cực kỳ lớn mà máy tính điện tử hiện nay không biểu diễn nổi nhưng người ta hy vọng là máy tính lượng tử trong tương lai sẽ đủ nhanh để biểu diễn được.

Nguyên lý bất nhị của Phật pháp nói rằng vật chất và tinh thần không phải là hai (bất nhị) nên tinh thần có thể biến thành vật chất và ngược lại. Trong tin học thì phần cứng (thiết bị bằng vật chất) và phần mềm (app. = application= ứng dụng) cũng không phải là hai nên cũng có thể thay thế cho nhau. Ví dụ các music player có thể phát nhạc giống như cái cassette. Nên trên smartphone ngày nay người ta toàn dùng music player để phát nhạc nên không cần tới cassette nữa. 

Phật pháp nói : Nhất thiết duy tâm tạo, hoặc nói Vạn pháp duy thức. Ý nghĩa của những lời nói đó là muốn nói Vũ trụ là thông tin, cũng tức là nói Vũ trụ là số, vũ trụ là toàn ảnh (The holographic universe), vũ trụ là số lượng. Con số (0, 1) làm nên vũ trụ.      

Tâm là thông tin, thức là thông tin. Thông tin của tâm là làn sóng đồng nhất vô định hình (chưa có đặc trưng, chưa có không gian, thời gian, số lượng). Thông tin của thức là hạt cơ bản của vật chất đã có tâm niệm, đã có đặc trưng, đã có không gian, thời gian, số lượng. Nên thông tin của thức là vũ trụ vạn vật. Vũ trụ vạn vật, cuộc sống nhân sinh là hình tướng nhưng bản chất của nó vẫn là thông tin, là tâm, là số.

Cuộc sống giác ngộ là trung đạo    

Trên đây chúng ta đã phân tích hai thái cực của cuộc sống. Một bên là bản chất tánh không, không có gì là thật. Tánh không thì không có gì là sướng khổ, đúng sai, tốt xấu, thiện ác cả. Một bên là hiện tượng thiên hình vạn trạng, phân biệt đủ mọi khía cạnh sướng khổ, thiện ác, tốt xấu của nhân sinh. 

Nếu chấp không thì không có cuộc sống, không có gia đình, vợ con, chồng con gì cả, không có sự tiến bộ, không có cuộc sống văn minh. Cái xã hội đó ngàn năm cũng không thay đổi, điển hình là bộ lạc Kogi ở Colombia Nam Mỹ. Người của xã hội đó sống khỏe mạnh, hạnh phúc, không có chiến tranh. Thật ra xã hội đó cũng không phải hoàn toàn chấp không, chỉ là hạn chế sở hữu ở mức tối thiểu. Nhưng có ai trong chúng ta muốn đến gia nhập vào xã hội đó không ?

Còn nếu chấp có thì xã hội văn minh tiến bộ như chúng ta thấy ngày nay nhưng con người cũng rơi vào những cảnh khổ như mô tả ở phần đầu. Ngoài ra Sinh lão bệnh tử là quy luật không ai thoát khỏi. Có nhiều người rơi vào hoàn cảnh bế tắc không lối thoát, phải chọn giải pháp tự tử.

Cho nên thực tế là không thể chấp một bên. Chấp một bên là biên kiến. Biên kiến cũng tức là tà kiến không thể giác ngộ. Thế nên từ xa xưa Bồ Tát Long Thọ (龍樹 nāgārjuna, không phải Na Tiên tỳ kheo那先 Nāgasena) sống vào khoảng thế kỷ thứ hai Công nguyên tại Andhra Pradesh Ấn Độ đã đưa ra giải pháp Trung Đạo được trình bày trong tác phẩm Trung Quán Luận, tên gọi đầy đủ theo tiếng Phạn là mūlamadhyamakakārikā (中觀根本論 Trung quán căn bản luận).

Trung Quán Luận của Long Thọ Nàgàrjuna Bồ Tát là một bộ luận rất dài gồm 27 phẩm (chương) với tất cả 446 bài kệ, mỗi bài 4 câu, mỗi câu 5 chữ, tổng cộng 1784 câu. Bộ kinh này đã được Cưu Ma La Thập 鳩摩羅什 Kumārajīva (344-413CN) dịch ra Hán văn. Lý luận rất trừu tượng khó nắm bắt. Vì vậy các vị đại luận sư Ấn Độ sau Long Thọ giải thích Trung Quán Luận với rất nhiều bất đồng làm rối trí hàng hậu học. Do đó đọc Trung Quán Luận cần nắm được yếu chỉ của tác phẩm hơn là đọc hết 446 bài kệ.

Chúng ta chỉ cần trích ra một hai bài kệ để hiểu ý nghĩa căn bản của bộ luận.    

Phẩm thứ nhất : Phá Nhân Duyên

Bài này phá cái ý chấp thật về vũ trụ, về nhân duyên, về vật chất, về các pháp

不生亦不滅 Bất sinh diệc bất diệt           Không sinh cũng không diệt

不常亦不斷 Bất thường diệc bất đoạn   Không tồn tại mãi cũng không tiêu mất

不一亦不異 Bất nhất diệc bất dị             Không đồng nhất cũng không khác nhau

不來亦不出 Bất lai diệc bất xuất              Không đến cũng không đi

諸法不自生 Chư pháp bất tự sinh           Các pháp không tự sinh ra

亦不從他生 Diệc bất tòng tha sinh           Cũng không phải do vật khác sinh ra

不共不無因 Bất cộng bất vô nhân           Không phải cộng sinh cũng không phải tự nhiên mà có

是故知無生 Thị cố tri vô sinh                     Vì vậy biết là vô sinh

Bài kệ này mô tả khái quát vũ trụ vạn vật điển hình là cõi thế gian. Vũ trụ không có sự sinh thành cũng không có sự tiêu vong. Thuyết Big Bang của khoa học mô tả sự sinh thành của vũ trụ, nhưng đó chỉ là mô tả, không phải thực tế, mô tả đó chỉ là vọng tưởng của bộ não con người không phải là tất cả sự thật. Bài kệ nói về thắng nghĩa của vũ trụ vạn vật, nó không tự sinh ra cũng không mất đi, cũng không phải do vật khác sinh ra, cũng không phải do nhân duyên hòa hợp giữa hai vật mà thành (cộng sinh), cũng không phải tự nhiên mà có (vô nhân). Vì vậy nên biết là vô sinh tức chỉ là ảo tưởng, là tưởng tượng không có thật.   

Tóm lại bài kệ nói rằng vật chất không có thật, chỉ là do con người tưởng tượng ra thôi. Chư pháp bất tự sinh, ý nói hạt cơ bản không có tự tính, không có đặc trưng, nó không phải tự sinh. Cũng không phải có cái gì khác sinh ra hạt cơ bản (diệc bất tòng tha sinh). Hạt cơ bản như electron chỉ là do người quan sát tưởng tượng ra chứ không phải có thật. Vì vậy nên biết rằng vũ trụ là vô sinh, chỉ là tưởng tượng chứ không có thật.

Vật chất không có thật nên thời gian, số lượng, không gian cũng không có thật,

-Không thường tồn, cũng không đoạn diệt (bất thường diệc bất đoạn), bởi vì thời gian không có thật.

-Không phải là một cũng không phải nhiều (bất nhất diệc bất dị) bởi vì số lượng không có thật.

-Không đến không đi (bất lai diệc bất xuất) bởi vì không gian không có thật.   

Trong bộ luận này, Long Thọ muốn phá ngã chấp và pháp chấp. Người thế gian chấp ngã, cho là ta có thật. Đó là do cái thấy bị hạn chế. Ở đời quá khứ thì chỉ biết quá khứ, chấp cái hình tướng của quá khứ là ta. Ở thời hiện tại chấp cái thân ngũ uẩn là ta. Ở đời vị lai thì chỉ biết vị lai, chấp cái hình tướng vị lai là ta. Nếu lìa hình tướng thì làm sao phân biệt cái nào là ta. Không biết ta là thế nào, thế thì cả quá khứ, hiện tại, vị lai đều không có ta. Ta chỉ là cái mà mình tự lãnh thọ, tự gán ghép, tự tưởng tượng chứ không có thực chất, chỉ là sự sinh diệt ảo ảnh của thân, sao cứ nhận bừa là ta ?

Ngoài chấp ngã, người đời còn chấp pháp. Pháp là tất cả sự vật, hiện tượng kể cả vật chất và tinh thần, Long Thọ gọi chung là trời, ý chỉ vũ trụ vạn vật. Trời là sẵn có (khoa học gọi là trường thống nhất- unified field), vô sinh, bất diệt. Nếu người cũng là trời thì rơi vào thường kiến tức là cho rằng người (ngã) tồn tại mãi mãi. Nếu người khác với trời thì ắt là ngã không tương tục, không thường hằng, là vô thường. Nếu vũ trụ là nửa trời nửa người thì rơi vào nhị biên, bất định giữa thường và vô thường. Nếu hai mặt đối lập thường và vô thường cùng tồn tại, thì đó không phải là mâu thuẫn mà là bổ sung cho nhau (ứng thành). Xét cả ba trường hợp (thường, đoạn, bất định) đều không phải, thì rút ra kết luận là vũ trụ không phải thường, cũng không phải vô thường.

Vì bản chất của tất cả các pháp đều là không, nên những hiện tượng sự vật thường thấy trong không gian (vị trí xác định nơi nào) và trong thời gian (ngày tháng năm nào) là do ai khởi lên những cái thấy đó ? Câu hỏi này tạo ra một nghi tình, nếu không phải là ta (phần trên đã phá ngã chấp và pháp chấp) thì là do đâu ? Buông bỏ tất cả sự chấp trước, nghi tình này có thể dẫn đến giác ngộ thành Phật. Trung đạo cũng không phải ở ngay chính giữa mà là vô sở trụ.

Kết luận

Toàn bộ Trung Quán Luận đều là phá chấp. Không thể chấp vào lục căn, không thể chấp lục trần, không thể chấp ngũ uẩn, không thể chấp nhân duyên, không thể chấp nhân quả, không thể chấp nghiệp báo, không thể chấp vũ trụ vạn vật là Có hay Không Có. Tất cả mọi chấp trước đều lọt vào nhị biên và đều là tà kiến. Vậy phải làm sao ? Đây là một sự thúc bách gây chấn động thân tâm, làm tê liệt nhận thức, tê liệt tư duy của bộ não. Tư duy không còn cách nào khác ngoài việc dừng lại, bất lực. Tàng thức (a-lại-da), tiềm thức chấp ngã (mạt-na), ý thức và tiền ngũ thức, tất cả đều dừng lại, và …trực há thừa đương, hoát nhiên đại ngộ. Đó là cứu cánh của Trung Quán Luận.

Tóm lại cuộc sống trung đạo là không thiên chấp, không biên kiến, không lệch về bên ác cũng không lệch về bên thiện, bởi vì thiện ác đều là tương đối do tâm tưởng tượng ra thôi, cứ sống bình thường tự do tự tại, không bị cái gì trói buộc, kể cả sinh tử cũng không trói buộc. Cổ nhân đã tổng kết cuộc sống đó bằng một câu thật giản dị : bình thường tâm thị đạo.  

Viết bình luận của bạn:
Zalo
Chuyên Gia Tư vấn Tử Vi Phong Thủy Chú Tiến Ngạn