KHÁCH QUAN KHÔNG PHẢI LÀ KHÁCH QUAN
19 Tháng 02
Đăng bởi:  NGUYỄN VĂN TIẾN

KHÁCH QUAN KHÔNG PHẢI LÀ KHÁCH QUAN

Chúng ta đã quen với khái niệm khách quan (objective concept). Khái niệm này muốn nói có những sự...

Chúng ta đã quen với khái niệm khách quan (objective concept). Khái niệm này muốn nói có những sự vật (object) hay sự kiện (fact) ở ngoài ý nghĩ, ngoài tâm niệm, suy nghĩ của ta không thể làm nó thay đổi. Trái ngược với khách quan là chủ quan (subjective).

Nhà triết học nêu lên chủ nghĩa duy vật khách quan (objective materialism) nổi tiếng là Karl Marx. Nhà khoa học tin tưởng vào vật chất khách quan (objective matter) là Albert Einstein, đây là nhà khoa học được đánh giá là vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20.  

Cho tới tận bây giờ vẫn còn rất nhiều người tin tưởng vào Karl Marx và Einstein. Hai người này có cùng lập trường về vật chất khách quan nhưng khác nhau ở chỗ Karl Marx là vô thần còn Einstein tin có Thượng Đế (God) nhưng với Einstein Thượng đế không phải là đấng thần linh mà là những quy luật vô hình chi phối thế giới vật chất và tinh thần, tâm linh của vũ trụ.

Chúng ta không cần phải nói về Karl Marx vì chủ thuyết của ông dựa vào tri thức khoa học của các khoa học gia trước ông hoặc cùng thời như Cơ học cổ điển của Newton, Sinh Vật Tiến Hóa Luận của Darwin, tất định luận của Laplace. Chúng ta chỉ cần xem xét lập luận của nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại là Einstein, nếu lập luận về vật chất khách quan của Einstein không đứng vững thì tất nhiên lập trường của Karl Marx cũng sụp đổ.

Chúng ta dựa vào cuộc tranh luận khoa học lớn nhất của thế kỷ 20 giữa hai nhà khoa học hàng đầu thế giới là Albert Einstein và Niels Bohr để biết lập trường của hai người. Họ tranh luận về vấn đề gì ?

Einstein có tuyên bố 2 câu quan trọng mà dựa vào đó chúng ta biết lập trường của ông.

1/Trong một bức thư năm 1945, Einstein viết (nguyên văn) “God tirelessly plays dice under laws which he has himself prescribed.” (Chúa chơi xúc xắc không mệt mỏi theo luật mà chính Ngài đã lập ra)

2/ “Tôi thích nghĩ rằng Mặt trăng vẫn ở đó ngay cả khi tôi không đang nhìn nó”

Câu thứ nhất cần giải thích thêm, câu nguyên văn của Einstein nói Chúa có chơi xúc xắc nhưng theo một quy luật xác định do ngài lập ra. Vậy ý của ông là thế giới vẫn là xác định, còn việc Chúa chơi xúc xắc chỉ là xác suất thống kê thôi, chứ ông không đồng ý với một số nhà khoa học khác nhất là Niels Bhor. Theo quan điểm của Bhor, thế giới là bất định. Hạt cơ bản khi bị cô lập thì trừu tượng. “Isolated material particles are abstractions” (Niels Bohr). Bị cô lập tức là tách khỏi sự nhận thức của chủ thể, của con người. Thí nghiệm hai khe hở (Double slit experiment) nổi tiếng đã chứng tỏ cho sự nhận định này của Boh

Để rõ ràng minh bạch, chúng ta cần biết Einstein và Bohr có một cuộc tranh luận lớn nhất thế kỷ 20 về vấn đề hạt cơ bản của vật chất luôn luôn có sẵn đặc trưng đặc điểm hay nó không có sẵn, chỉ khi có người quan sát, đặc trưng mới xuất hiện.

Quan điểm của Bhor nói rằng hạt cơ bản không có sẵn đặc trưng, chỉ khi nào có người quan sát thì đặc trưng mới xuất hiện, đó là quan điểm cho rằng thế giới là bất định.

Quan điểm của Einstein là hạt cơ bản như photon hay electron luôn luôn có sẵn đặc trưng. Quan điểm đó muốn nói thế giới là xác định, là khách quan. Câu tuyên bố thứ 2 của Einstein nói về Mặt trăng nói rõ lập trường của Einstein, ông cho rằng Mặt trăng là vật thể khách quan. Chính vì lập trường của Einstein thiên về quan điểm cho rằng thế giới là xác định nên các nhà khoa học đã chỉnh sửa câu tuyên bố số 1 của ông thành “God does not play dice with the universe.” (Chúa không chơi trò xúc sắc với vũ trụ) để cho lời nói và quan điểm của ông nhất quán với nhau. Video sau đây của nhà vật lý Brian Greene chứng tỏ lập trường của Einstein cho rằng thế giới là xác định.  

Einstein giải thích sự liên kết lượng tử bằng lý luận về đôi găng tay

Có lẽ tất cả chúng ta, tuyệt đại đa số nhân loại đều cho rằng lập trường của Einstein là đúng đắn, Mặt trăng là vật thể khách quan. Nhưng con người không ngờ rằng đến năm 1982 lúc cả Einstein và Bohr đều đã qua đời (Einstein mất năm 1955, Bohr mất năm 1962) thì tại Paris, Alain Aspect đã tiến hành cuộc thí nghiệm về liên kết lượng tử, lần đầu tiên chứng tỏ cho thế giới thấy không gian, thời gian, số lượng, không có thật, các đại lượng đó chỉ là khái niệm chủ quan của con người, rằng  lập trường của Einstein là sai, Bohr mới đúng. Đặc trưng của hạt cơ bản chỉ xuất hiện khi có người quan sát, Thế giới bề ngoài thấy có vẻ xác định nhưng bản chất thật sự là bất định. Tiến sĩ vật lý Amit Goswami cũng đã chỉ rõ khi nào thì hạt electron mới xuất hiện và xác định được vị trí trong video sau :

Tiến Sĩ Amit Goswami Nói Về Tính Chất Electron

Vô hình trung quan điểm của Bohr phù hợp với Phật giáo. Vũ trụ vạn vật là do tâm tạo, tùy theo thói quen của tâm (tập khí) thế nào thì thế giới sẽ hiện ra thế ấy. Điều đó cũng giải thích tại sao cảnh giới tùy theo nghiệp (tập khí) mà xuất hiện.     

Vũ trụ bao gồm không gian, thời gian, số lượng, vật chất, đều là do tâm tạo. Tâm không tạo thì không có vũ trụ.

Thế giới, cả vật chất và tinh thần đều là tâm, là thức, thì hiển nhiên vật chất là thông tin, thông tin là vật chất, hai thứ này có thể chuyển hóa cho nhau, cũng tương tự như sự chuyển hóa giữa vật chất và năng lượng.

Từ Thông tin về Cái Ví Da có thể Phục hồi Cái Ví Da Vật chất

Thí dụ về cái ví da ném vào hố đen của nhà khoa học Brian Greene là một lập luận cho rằng một vật thể bằng vật chất có hai hình thức hiện hữu, một là hình thái vật chất trong không gian 3 chiều mà chúng ta đã quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của con người, hai là hình thái thông tin tương tự như thông tin trong các thiết bị tin học mà con người cũng đã bắt đầu quen thuộc từ cuối thế kỷ 20, thông tin thuộc không gian 2 chiều tức nằm trong mặt phẳng. Ông tin rằng từ hình thái thông tin này vật thể có thể hoàn toàn khôi phục hình thái vật chất. Quan điểm của Brian Greene phù hợp với nguyên lý bất nhị của Phật giáo.

Hiện nay khoa học chưa chuyển hóa được giữa thông tin và vật chất. Đó là việc chưa làm được vào lúc này chứ không phải vĩnh viễn không thể làm được. Lý do chưa làm được là vì số lượng thông tin của một vật thể vật chất cực kỳ lớn, vượt xa khả năng xử lý của máy tính điện tử hiện nay. Ngoài ra người ta cũng nhận ra rằng thông tin về một vật thể có dạng giống như một toàn ảnh (holography). Và vũ trụ mà chúng ta sống trong đó cũng là một vũ trụ toàn ảnh (the holographic universe).

Kết luận

Chúng ta đều biết rằng Albert Einstein là nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Ông là tác giả của một phương trình thế kỷ tuy rất đơn giản nhưng vô cùng nổi tiếng :

Đây là phương trình thế kỷ  E=mc2 thể hiện mối tương quan giữa năng lượng và vật chất, là khởi đầu của bom nguyên tử cũng như của các nhà máy điện nguyên tử. Ông cũng từng đoạt giải Nobel về Vật Lý  năm 1921 “cho những cống hiến của ông đối với vật lý lý thuyết, và đặc biệt cho sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện”. Công trình về hiệu ứng quang điện của ông mang tính bước ngoặt khai sinh ra lý thuyết lượng tử. Nó chứng minh rằng ánh sáng vừa là sóng vừa là hạt, khi ánh sáng là hạt nó tạo ra hiệu ứng quang điện, tức tạo ra sự chuyển động của hạt electron, tạo ra dòng điện. Các tấm pin mặt trời là ứng dụng của hiệu ứng này.  

Ngoài ra ông có những công trình khoa học rất nổi tiếng, đó là Thuyết Tương Đối Hẹp (Theory of Special Relativity 1905), Thuyết Tương Đối Rộng (The General Theory of Relativity 1916). Ông có những tiên đoán chính xác mà về sau khoa học xác nhận như : Tia sáng bị cong khi đi qua vùng có lực hấp dẫn mạnh, chẳng hạn tia sáng đi qua gần mặt trời thì bị cong.

Ông cũng dự đoán có sự hiện hữu của sóng hấp dẫn (gravitational waves) mà mãi 100 năm sau khoa học mới thực sự phát hiện ra sóng hấp dẫn vào năm 2016.

Mặc dù Einstein rất tin tưởng ở Phật giáo. Ông nói :

“Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu với nhu cầu của khoa học hiện đại, đó có lẽ là Phật giáo”

Nhưng rất tiếc là ông chưa thấu triệt Phật giáo tối thượng thừa. Trung tâm của tư tưởng Phật giáo là Tâm, là tánh không.

Phật giáo nói Nhất thiết pháp vô tự tính nghĩa là các hạt cơ bản của vật chất cũng không hề có sẵn đặc trưng đặc điểm gì cả, chỉ khi có người quan sát thì đặc trưng mới xuất hiện. Einstein không biết câu nói này của Phật giáo nên ông đã thua Niels Bohr trong cuộc tranh luận khoa học lớn nhất thế kỷ 20.

Phật giáo nói Nhất thiết duy tâm tạo, điều đó có nghĩa là vật chất, vũ trụ vạn vật cũng là do tâm tạo, tâm tưởng tượng ra vũ trụ vật chất, mặt trời, mặt trăng chứ không có gì là khách quan ở ngoài tâm cả. Câu nói của ông về mặt trăng đúng với thường nghiệm của người đời, nhưng đó chỉ là chủ quan tập thể của một số đông người chứ không phải là tuyệt đối khách quan.

Phật giáo nói Ngũ uẩn giai không nghĩa là : Ngũ uẩn 五蘊 pañca-skandha là 5 tập hợp tạo thành cái ta của chúng sinh của con người, gồm có :

-Sắc  色 rūpa : vật chất, phần hữu hình của ngũ uẩn.

-Thọ 受 vedanā : cảm giác, thông tin do thân thể tiếp xúc với bên ngoài và cả bên trong cơ thể thể hiện bằng dòng điện tín hiệu.

-Tưởng 想 saṃjñā : tưởng tượng, suy nghĩ, thông tin của 5 giác quan được bộ não tiếp thu và xử lý, phân biệt thành tưởng uẩn

-Hành 行 saṃskāra : chuyển động, di chuyển, hoạt động, vật chất hiện hữu là do chuyển động, cảm giác, suy tưởng cũng đều là do hoạt động của cả 5 uẩn

-Thức 識 vijñāna : phân biệt, nhận thức, sự hoạt động phối hợp của 5 uẩn đem lại khả năng phân biệt, nhận thức của con người về bản thân và thế giới chung quanh. Bản thân tức là ngã 我, thế giới chung quanh tức là pháp giới 法界Dharmadhātu   

Tất cả 5 uẩn đều là giả tạm không có thật do tâm niệm tạo ra chứ không phải tuyệt đối có thật

Tóm lại cái mà mọi người cho là khách quan, thực tế chỉ là chỉ là chủ quan tập thể nghĩa là có đông người thấy giống như nhau chứ không phải tuyệt đối khách quan. Điều này nhà khoa học Niels Bohr đã nói : Hạt cơ bản khi bị cô lập thì trừu tượng. “Isolated material particles are abstractions” (Niels Bohr). Bị cô lập tức là tách khỏi sự nhận thức của chủ thể, của con người. Hạt cơ bản là vật chất, là do tâm niệm tạo ra, không có tâm niệm thì hạt cơ bản, vật chất chỉ là trừu tượng không có thật. Các nhà khoa học hiện đại cũng có làm ra một video để minh họa cho khái niệm Nhất thiết duy tâm tạo.

Viết bình luận của bạn:
Zalo
Chuyên Gia Tư vấn Tử Vi Phong Thủy Chú Tiến Ngạn