MÊ VÀ NGỘ, BÌNH THƯỜNG TÂM
19 Tháng 02
Đăng bởi:  NGUYỄN VĂN TIẾN

MÊ VÀ NGỘ, BÌNH THƯỜNG TÂM

Con người sống trên thế gian có vui có khổ lẫn lộn, niềm vui qua mau, nỗi khổ kéo dài. Chẳng hạn ...

Con người sống trên thế gian có vui có khổ lẫn lộn, niềm vui qua mau, nỗi khổ kéo dài. Chẳng hạn niềm hoan lạc ái ân chỉ trong phút chốc, còn nỗi khổ vì bệnh tật có thể kéo dài suốt kiếp. Do đó có những bậc thánh nhân xuất hiện chỉ đường cho nhân loại giác ngộ thực tế, thoát khỏi mê lầm, có thể bình an vĩnh viễn. Chúng ta sẽ tìm hiểu thực chất của mê và ngộ như thế nào.

Thế nào là mê ?

Mê theo Phật pháp chính là cái tâm thái chấp thật của con người chúng ta. Chúng ta cho là cảnh giới thế gian là có thật, thân thể tứ đại (theo quan niệm xưa thân thể cấu tạo bởi bốn thành phần gồm đất, nước, gió, lửa) của mình là có thật. Cái ta của mình là có thật, và những thứ sở hữu của mình (ngã sở) là có thật. Nói chung, quan niệm chấp thật của người đời là cho rằng ngã (cái tôi) và pháp (cảnh giới vật chất và tinh thần) là có thật. Từ đó mê chấp, tranh giành và khổ vì đủ thứ phiền não như : thân thể bệnh tật, sinh lão bệnh tử, tai nạn; xung đột chiến tranh vì tranh giành tài nguyên, biển đảo, tiền tài danh vọng, tranh giành cả những cái thuộc về quan điểm như ý thức hệ, quan niệm về độc tài, dân chủ, tự do; đau khổ vì thiên tai hoành hành, nhân họa giặc giả, áp bức, bất công. Chính vì mê lầm như vậy nên tranh giành xung đột quyết liệt, thế giới không có một ngày bình yên, nhân loại sống triền miên trong đau khổ.

Dựa vào đâu, chúng ta biết được tuyệt đại đa số nhân loại sống trong mê muội ?

Dựa vào sự khai thị của một bậc giác ngộ. Đức Phật Thích Ca là giác giả, tức là người giác ngộ, chữ Phật cũng chỉ có nghĩa là giác giả tức là người giác ngộ chứ không phải là một vị thần linh. Còn một số vị thiền sư kiến tánh thành Phật cũng chỉ có nghĩa là trở thành người giác ngộ mà thôi. Phật nhìn thấy (bằng tâm chứ không phải bằng con mắt) thấu suốt cả Tam giới (bao gồm Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới) và chỉ dạy cho chúng sinh rằng : Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức (Ba cõi giới chỉ là tâm, muôn vạn pháp chỉ là thức). Tâm là trí bất nhị, vô phân biệt, là bản chất vô hình vô thể vô dạng, nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Thức là tâm của chúng sinh (mạt-na thức) phân biệt ra những cặp phạm trù mâu thuẫn, phân biệt rạch ròi vi tế tất cả những khác biệt nhỏ nhất của các pháp.

Nếu chúng ta giải thích theo kiểu của khoa học thì Tâm (Citta) là trường thống nhất (unified field), bản chất của tâm là sóng vô hình, phi vật chất, đồng nhất, vô phân biệt, ở đâu cũng như nhau, không có không gian, không có thời gian, không có số lượng. Còn thức (consciousness) là tâm phân biệt của chúng sinh, là nhất niệm vô minh của bộ não, nó tưởng tượng ra đủ mọi pháp khác nhau. Các hạt cơ bản của vật chất (material particles) như photon, electron, quark vốn là không có thật, không có bất cứ đặc điểm đặc trưng gì cả, nhưng thức tưởng tượng là chúng có thật, là hạt cơ bản của vật chất có các đặc trưng như vị trí trong không gian, khối lượng, điện tích, số spin. Chẳng hạn hạt electron có các đặc trưng như sau :

Ký hiệu e, β
Khối lượng { 9,109 382 15(45) × 10–31 kg

 

5,485 799 09(27) × 10–4 u
11822.888 4843(11) u (u là đơn vị đo khối lượng nguyên tử = 1/12 của khối lượng nguyên tử carbon 12)
0.510 998 918(44) MeV/c2 (MeV là mega electronvolt. C là vận tốc ánh sáng)

Điện tích –1,602 176 487(40) × 10–19 C(Coulomb)
Spin ½

 

Riêng về vị trí thì không thể xác định được vị trí của electron theo nguyên lý bất định của Heisenberg, chỉ xác định được vận tốc. Vận tốc của electron trong chân không xấp xỉ nhưng không bao giờ bằng c, hay vận tốc ánh sáng trong chân không, điều này là do hiệu ứng tương đối tính theo thuyết tương đối. Hiệu ứng của thuyết tương đối dựa trên một đại lượng được biết đến là gamma hay hệ số Lorentz. Gamma là một hàm của v – vận tốc của hạt, và c – vận tốc ánh sáng, với gamma hay hệ số lorentz :

γ = (1 − v2/c2)−1/2

Theo kết quả cuộc tranh luận thế kỷ của hai nhà khoa học hàng đầu thế giới là Niels Bohr và Albert Einstein, mà cuộc thí nghiệm của Alain Aspect tiến hành năm 1982 tại Paris đã chứng tỏ, hạt photon hoặc hạt electron không có sẵn bất cứ đặc trưng gì. Chỉ khi có người tiến hành quan sát và đo đạc chúng thì các đặc trưng mới xuất hiện. Điều đó chứng tỏ rằng các đặc trưng của hạt cơ bản chỉ là tưởng tượng của con người mà thôi chứ nó không có thật. Điều này trong kinh điển có ghi rõ ràng. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng : Nhất thiết pháp vô tự tính 一切法無自性 Tất cả các pháp đều không có tự tính, điều đó có nghĩa là hạt photon hoặc hạt electron không có sẵn bất cứ đặc trưng gì. Điều đó cũng hiển bày ý nghĩa mà kinh điển Phật giáo từ lâu đã nói rõ Nhất thiết duy tâm tạo 一切唯心造  Tất cả đều là do tâm tạo, điều này có nghĩa là toàn bộ vũ trụ vạn vật đều không có thực thể, không phải khách quan, không có thật mà chỉ là chủ quan do tâm tưởng tượng ra, có nghĩa là chúng ta đang sống trong thế giới ảo, phi hiện thực (non realism).

Niels Bohr đã nói rằng : “Tất cả những gì chúng ta gọi là thật được làm bằng những vật không thể được xem là thật. Nếu cơ học lượng tử không làm cho bạn bị sốc nặng thì bạn đã chưa hiểu được nó.”

Tại sao ai hiểu được cơ học lượng tử ắt phải bị sốc nặng ? Bởi vì nó làm sụp đổ tất cả mọi niềm tin của con người vào một thế giới vật chất khách quan. Bởi vì cái thế giới vật chất khách quan đó là không có thật. Einstein đã sai lầm, chỉ có cái thế giới tưởng tượng chủ quan do tâm tạo ra của con người mà thôi.

Bohr đã đưa ra một nhân định làm sụp đổ môn khoa học vật lý : Niels Bohr nói “Isolated material particles are abstractions”  (Hạt vật chất cơ bản cô lập thì trừu tượng- tức không phải vật thật). Điều này có ý nghĩa sâu xa là tất cả các hạt cơ bản của vật chất chỉ là những hạt ảo không có thật. Vũ trụ vật chất xây dựng bằng những hạt ảo cũng chỉ là vũ trụ ảo không có thật. Loài người trên thế gian hoàn toàn sống trong mê muội chấp thật, họ sống trong thế giới tưởng tượng mà không tự biết.

Nhận định khoa học của Bohr khiến chúng ta phải trở lại, xem xét lại kinh điển Phật giáo dưới nhãn quang khoa học, chứ không phải với niềm tin tôn giáo nữa. Hãy xem lại lời dạy về Ngũ uẩn giai không của Đức Phật.

Ngũ uẩn giai không 五蘊皆空 nghĩa là năm uẩn đều không có thật. Chữ uẩn 蘊 (skandha) còn gọi là ấm 陰 Uẩn là nhóm hay tập hợp hoặc tích hợp. Ngũ uẩn bao gồm : Sắc (vật chất, matter, material); Thọ (cảm giác, perception); Tưởng (tưởng tượng, imagination) ; Hành (chuyển động, motion); Thức (nhận thức, phân biệt, conciousness, alaya, discrimination).
Chữ uẩn mang hàm ý tích hợp, là tập hợp của nhiều phần tử để tạo ra một hiện tượng ảo hóa. Bởi vì hiện tượng ảo hóa đó kéo dài và con người không có cách nào để phát hiện tính cách giả tạo của hiện tượng nên lầm tưởng là thật, và từ lầm tưởng đó mà sướng khổ một cách vô căn cứ. Tất cả mọi sướng khổ đều là vô căn cứ bởi vì nó dựa trên tưởng tượng. Tưởng tượng này kinh điển Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng tức là tưởng tượng đã phổ biến qua nhiều đời ở thế gian. Nguyên lý của vấn đề này nằm ở chỗ kinh điển diễn tả rằng tất cả các pháp đều không có tự tính, tất cả mọi tính chất của pháp là do tưởng tượng gán ghép của con người. Dễ thấy nhất là ngôn ngữ, từ ngữ của của bất cứ ngôn ngữ nào đều không có ý nghĩa, mọi ý nghĩa đều là do con người gán ghép cho từ ngữ. Tương tự như vậy, tất cả mọi vật trong vũ trụ đều không có thực chất, mọi tính chất đều do chúng sinh gán ghép cho vật. Đó cũng chính là ý nghĩa của ngũ uẩn giai không. Khoa học thế kỷ 20 đã xác minh vấn đề này qua cuộc tranh luận thế kỷ giữa hai nhà khoa học hàng đầu thế giới, là Niels Bohr và Albert Einstein. Kết quả của cuộc tranh luận này chứng tỏ rằng các hạt cơ bản của vật chất đều chỉ là do con người tưởng tượng ra. Từ đó các cảnh giới vật chất cũng chỉ là tưởng tượng đồng bộ của các giác quan. Thí nghiệm hai khe hở là một chứng tỏ rõ ràng rằng hạt electron chỉ là tưởng tượng của người quan sát.

Double Slit Experiment – Thí Ngiệm Hai Khe Hở – Phụ đề Việt ngữ

Đức Phật xuất hiện trên thế gian khoảng hơn 2600 năm trước, đã hướng dẫn cho con người biết cuộc sống trên thế gian chỉ là ảo tưởng mê muội, sướng khổ vô căn cứ, không có gì là thật cả, và chỉ dạy cho con người cách giác ngộ, thoát khổ.

Thế nào là ngộ ?     

Ngộ là khám phá ra Tâm chính là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Trực tiếp hội nhập vào tâm bất nhị đó. Về mặt ý thức thì hiểu rằng cuộc sống thế gian chỉ là mê muội, ảo tưởng, đó là sự giải ngộ. Giải ngộ là hiểu về mặt ý thức chứ chưa phải chứng ngộ triệt để. Hội nhập được với bản tâm và diệu dụng được nó mới là chứng ngộ. Bởi vì tập quán, tập khí thế lưu bố tưởng đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp quá sâu nặng, nên muốn phá hay giải thoát khỏi tập khí lâu đời đó, con người phải tu tập lâu năm, dùng giới, định, huệ để chuyển đổi thức thành trí. Cụ thể là chuyển bát thức thành tứ trí, nghĩa là chuyển đổi thói quen phân biệt của thức thành vô phân biệt trí và thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Theo Duy Thức Học thì tất cả chúng sinh đều cùng một tâm mà ra. Bởi vì chúng sinh chấp ngã, chấp pháp nên trôi lăn trong lục đạo luân hồi nếm trải đủ mùi vị ngọt bùi, cay đắng, sướng khổ của Tam giới. Trong tâm thức của chúng sinh thì có bát thức gồm : tiền ngũ thức (5 thức cơ bản : thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc), ý thức, mạt-na thức và a-lại-da thức. Khi tu hành giác ngộ thì bát thức sẽ chuyển thành tứ trí như sau :

Tiền ngũ thức chuyển thành Thành sở tác trí, tức là khả năng cơ bản có thể đặt nền tảng cho mọi thứ công dụng ảo hóa. Thế gian tuy là cảnh ảo không phải thật nhưng ảo hóa cũng chính là công dụng của tâm. Tâm có công năng tạo ra vũ trụ vạn vật. Thành sở tác trí cung cấp dữ liệu cơ bản cho cuộc biến hóa vĩ đại của vũ trụ.

Ý thức chuyển thành Diệu quan sát trí, tức là khả năng phân biệt, dữ liệu của Thành sở tác trí chưa có phân biệt thành cặp phạm trù mâu thuẫn như tốt xấu, đúng sai, sáng tối. Diệu quan sát trí sẽ phân biệt các dữ liệu đó và hoạt động tương tác, khởi động cuộc xoay vần ảo hóa của vũ trụ.

Mạt-na thức chuyển thành Bình đẳng tánh trí. Đây là khả năng phân biệt ta người và muôn pháp. Bình đẳng tánh trí là không phân biệt, ta và người đều bình đẳng, tất cả chúng sinh, tất cả các pháp đều bình đẳng không phân biệt. Nhưng khi hoạt động thì Bình đẳng tánh trí chuyển thành Mạt-na thức và biết phân biệt. Nó phân biệt rõ ràng ta người, ngã và phần còn lại của vũ trụ.

A-lại-da thức chuyển thành Đại viên cảnh trí. Giống như một chiếc gương lớn phản ánh tất cả mọi hoạt động, mọi biến đổi của Tam giới, nhưng không lưu lại dấu vết, bởi vì tất cả mọi biến đổi, vô lượng vô biên pháp đều chỉ là ảo hóa. Đây là nguồn dữ liệu vô cùng lớn, vô lượng vô biên, không phân biệt, nhưng khi nhất niệm vô minh của mạt-na thức khởi lên thì phân biệt ra ta người và vạn pháp.

Tóm lại Tứ trí là bốn khả năng lớn của tâm. Ở trạng thái tĩnh lặng, vô phân biệt, thì đó là tứ trí, nhưng ở trạng thái hoạt động, ứng dụng thì đó là bát thức, tạo ra vô lượng vô biên cảnh giới kỳ ảo của Tam giới với vô lượng vô biên chúng sinh.

Có thể nói vô lượng cảnh giới và vô lượng chúng sinh đều chỉ là ảo hóa, không có thật, nên chúng sinh, con người, đừng có chấp thật, đừng có chấp ngã thì sẽ không cảm thấy phiền não hay khổ, đó chỉ là công dụng vĩ đại của tâm mà thôi.

Người giác ngộ liên thông được với tâm và có thể làm chủ được thân, sinh tử tự do và có thể có thần thông.

1194 Thiền sư kiến tánh sinh tử tự do, không sợ uy quyền của vua

1128 Người tại gia cũng có thể kiến tánh- Kể chuyện gia đình Bàng Uẩn

1210 Quan Âm Diệu Trí Lực năng cứu thế gian khổ- kể chuyện Trương Bảo Thắng

Thần thông hay đặc dị công năng có thể làm được những điều phi thường mà người bình không thể nào hiểu được vì nó trái với cảm nhận thường nghiệm.

42 CÓ PHẢI ZÉNON (ZENO) NGỤY BIỆN KHÔNG ?

Cuộc sống hàng ngày, bình thường tâm là đạo

Một số vị thiền sư kiến tánh là Triệu Châu và Mã Tổ Đạo Nhất có nói như sau :

有学僧参访赵州禅师,向其请教什么是禅?赵州禅师问:吃粥了吗?僧人答:吃粥了。赵州说:“那就洗钵去吧!” 这则“洗钵去”的公案和另一则“吃茶去”的公案同样著名,寓意也异曲同工。 无论是洗钵还是吃茶,都是日常生活中再平常不过的事,却成为禅机中的重要意象。 禅宗大德马祖道一说,“平常心是道,无造作,无是非,无取舍,无断 无断常,无凡无圣。只今行住坐卧,应机接物,尽是道”,又说“道不用修,但莫污染。何为污染?但有生死心,造作趣向,皆是污染。

(Dịch nghĩa) Có một vị tăng tham vấn thiền sư Triệu Châu, xin thỉnh giáo thế nào là thiền ? Triệu Châu hỏi lại : ông có ăn cháo chưa ? ông tăng trả lời : ăn cháo rồi. Triệu Châu nói : “Vậy đi rửa bát đi !” Đây là công án “Đi rửa bát” cùng với công án “Uống trà đi” đều rất nổi tiếng, tuy lời khác nhau nhưng đồng công dụng. Bất luận là rửa bát hay uống trà, đều là trong việc sinh hoạt thường ngày, cứ hành xử bình thường là không sai, điều đó trở thành ấn tượng trọng yếu trong thiền cơ. Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất của Thiền tông nói : “Tâm bình thường là đạo, không tạo tác, không đúng sai, không lấy bỏ, không đoạn tuyệt không thường còn, không phàm không thánh. Chỉ việc bây giờ đi đứng ngồi nằm, ứng cơ tiếp vật, tất cả đều là đạo”. Ngài lại nói “Đạo không cần phải tu sửa, chỉ đừng làm ô nhiễm. Thế nào là ô nhiễm ? Đó chỉ là có tâm sinh tử, tạo tác, thú hướng (hướng tới một mục tiêu nào đó, ví dụ ăn phải đòi ngon mới chịu ăn, mặc phải đòi đẹp mới chịu mặc) đều là ô nhiễm.

Trong cuộc sống đời thường, chúng ta cảm thấy dường như lời dạy của Mã Tổ Đạo Nhất trái với nhu cầu của xã hội hiện đại. Xã hội ngày càng hướng tới văn minh, ăn ngon, mặc đẹp, chế tạo các công cụ ngày càng tinh vi hoàn thiện, tiện dụng hơn. Thật ra thì lời dạy của Mã Tổ không hẳn là trái với sự tiến bộ xã hội, mà cần phải hiểu theo nghĩa biện chứng. Xã hội không thể đứng yên một chỗ mà phải phát triển, tiến tới. Cái hình thức bình thường của sự vật tùy thời mà thay đổi. Thí dụ ngày xưa đi giày cỏ, ngày nay có giày da. Vậy cái bình thường của ngày nay là giày da chứ không phải giày cỏ như hồi xưa nữa. Ngày xưa các vị tăng đi đâu cũng chỉ là hành cước tức đi bộ, còn cái bình thường của ngày nay là đi xe hơi, đi máy bay. Vật bình thường của ngày xưa là cây quạt giấy, chén trà, cây bút lông. Còn vật bình thường của ngày nay là quạt máy, máy điều hòa, computer, điện thoại di động. Tâm bình thường trong bất cứ hoàn cảnh nào đều có ứng dụng phù hợp và vô ngại, nó cũng không làm trì trệ sự phát triển của xã hội, đó gọi là tùy duyên. Tâm bình thường là không chê áo vải thô cũng không chê áo vải polyester cao cấp, áo nào cũng mặc được. Ăn thì món gì cũng ăn được, dù cao lương mỹ vị hay chay lạt, gạo lứt muối mè cũng xong.

Không tạo tác tức là tâm hạn chế phát sinh vọng tưởng chấp thật chứ không có nghĩa là không phát minh sáng chế hay không sáng tạo. Xã hội loài người không thể dừng lại ở cuộc sống đơn sơ như bộ lạc Kogi. Năm 1974, một chiếc phi cơ bay lạc vào khu rừng rậm xứ Colombia thuộc Nam Mỹ châu – về phía bắc của rặng Sierra Nevada de Santa Marta, là một phần của dãy núi lớn Andes, phi công của chiếc máy bay này đã khám phá ra bên dưới thấp thoáng một công trình xây cất cổ xưa bằng đá có hình dạng kim tự tháp nhưng không giống kim tự tháp Ai Cập hay kim tự tháp thường thấy ở Nam Mỹ. Đó chính là nơi cư trú của bộ lạc Kogi.

0026 Bộ lạc Kogi ở Nam Mỹ

Chúng ta cần phải hiểu toàn thế giới như là một người do một tâm tạo ra nhưng tâm phân thân ra thành vô lượng người và chúng sinh, giống như một hạt photon có thể xuất hiện ở 100.000 hay vô lượng vô biên vị trí khác nhau. Các chúng sinh trong Tam giới cũng thế, từ một tâm mà ra, có cuộc sống riêng, sở thích riêng, hình tướng cũng khác nhau, công việc của mỗi người mỗi vật đều khác nhau nhưng phối hợp điều hòa, không xung đột, không tranh giành, đó là điều mà người dân tộc Kogi làm được, nhưng nhân loại thì không làm được bởi vì đa số nhân loại chấp ngã và ngã sở một cách mê muội, chưa có được bình thường tâm.

Trong xã hội hiện đại, liệu con người có thể giữ bình thường tâm được không ? Tôi thiết tưởng không có gì mà không được. Nhà khoa học thì cứ tiếp tục phát minh sáng chế ra những phương pháp sản xuất hiệu quả hơn, ít tốn kém, ít ô nhiễm hơn, ngày càng có khuynh hướng thiên về phương pháp tin học hơn là phương pháp công nghiệp. Chẳng hạn sản xuất vật dụng bằng phương pháp in 3D sẽ ít tốn kém, ít lãng phí nguyên liệu, năng lượng, ít chất thải hơn, lại mau chóng và chính xác hơn. Nhưng nhà khoa học với bình thường tâm sẽ không phát minh ra bom đạn, bom nguyên tử, vũ khí hủy diệt, chất độc hóa học, bởi vì không có ý đồ tranh hơn thua.

Các nhà sản xuất đều có ý thức về bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn năng lượng sạch như mặt trời, gió, thủy điện, thủy triều để tạo ra năng lượng, giảm bớt đi tới chấm dứt sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường, loại bỏ dần cả những nhà máy điện nguyên tử. Nhà sản xuất với bình thường tâm sẽ không quá chú trọng lợi nhuận, chỉ chú tâm phục vụ cho xã hội, mọi người đều được no cơm, ấm áo, có nhà cửa phương tiện sinh hoạt tiện lợi. Nhà buôn bán không đầu cơ kiếm lãi bất chính mà chỉ chú tâm làm tốt công việc lưu thông phân phối để hàng hóa đến tay của người cần dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, ít tốn kém.

Các nhà khoa học chú tâm nghiên cứu về vấn đề sản xuất trực tiếp protein làm thực phẩm mà không cần phải chăn nuôi giết mổ gia súc gia cầm, thủy hải sản, nghĩa là tránh sát sinh hại vật. Tức là có thể sản xuất ra thịt cá nhân tạo không cần phải chăn nuôi đánh bắt. Đó là một bước tiến lớn của nhân loại khi con người có thể sản xuất ra protein thực vật và động vật phục vụ nhu cầu ăn uống cho con người bằng phương pháp công nghiệp hoặc tin học mà không cần phải trồng trọt hoặc chăn nuôi. Khi xã hội tin học hóa cao độ thì thời đại đó ngày càng đến gần.

Theo kinh Vô Lượng Thọ thì chúng sinh ở cõi Tây phương Cực lạc không cần phải chăn nuôi trồng trọt hay sản xuất công nghiệp mà vẫn có đồ ăn thức uống và vật dụng sinh hoạt, thực hiện được hoàn toàn nguyên lý nhất thiết duy tâm tạo.

Ăn Uống Ở Cõi giới Tây phương Cực lạc

Các nhà lãnh đạo chính trị với bình thường tâm, thì không có ý tranh giành về tài nguyên biển đảo hoặc quyền lực mà chỉ cốt sao cho thế giới được hòa bình, cuộc sống của toàn thể nhân loại được hạnh phúc. Công nhân viên chức với bình thường tâm sẽ không tham ô móc ngoặc, chỉ tận tâm phục vụ, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Các nghệ sĩ với bình thường tâm có thể phát huy sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và văn hóa phục vụ nhu cầu tinh thần, giải trí cho con người một cách lành mạnh, vui tươi, để lại những tác phẩm văn học, phim ảnh, âm nhạc điển hình,  phản ánh cuộc sống của từng thời đại.

Tóm lại trong xã hội văn minh hiện đại, con người vẫn có thể sống với bình thường tâm, một trạng thái giác ngộ, an nhiên tự tại mà vẫn không làm cho xã hội trì trệ chứ không nhất thiết phải sống nguyên sơ như một bộ lạc nguyên thủy, điển hình là bộ lạc Kogi ở Colombia.

Con người vẫn sống trong xã hội văn minh hiện đại, hưởng thụ cuộc sống hiện đại, nhưng với bình thường tâm, an nhiên tự tại và hòa bình, làm chủ cả cảnh giới, cả thiên nhiên, liệu có thực hiện được không ? Điều này thuộc về cá nhân chứ không tùy thuộc xã hội, cá nhân là quyết định. Bởi vì mỗi người đều sống trong vũ trụ của mình, mỗi người mỗi khác. Một hành giả có thể sống với bình thường tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chẳng hạn hòa thượng Hư Vân (1840-1959) là người kiến tánh, sống trong thời kỳ cuối Nhà Thanh dưới triều Đạo Quang, trải qua thời Trung Hoa Dân Quốc và viên tịch dưới thời Trung Quốc Cộng Sản, qua bao biến loạn của thời thế, bản thân ngài cũng bị khổ nạn trong biến cố Vân Môn là ngôi chùa ngài trụ trì.

Chùa Vân Môn là thánh địa đạo tràng của thiền tông Trung Hoa dựng lên từ năm 923 bởi tổ Vân Môn Văn Yển, tọa lạc trên núi Vân Môn – một danh sơn thuộc huyện Nhũ Nguyên 乳源, phía bắc tỉnh Quảng Đông. Sau hơn 1.000 năm hưng phế, đến đầu thế kỷ 20, chùa nghiêng đổ tiêu điều, không người lui tới  – chỉ còn sót một vị tăng già ngày đêm giữ ngọn lửa Phật bên nền điện Đại Hùng lạnh cóng. Quanh ngôi cổ tự đầy những lùm lau lách, cỏ dại, hang hốc, chồn hoang, rắn, chuột…

Đến năm 1942, giữa thời chiến tranh Trung Nhật, chùa Vân Môn được trùng hưng trong suốt 9 năm, mọc lên điện đài, lầu gác, sảnh đường và các công trình kiến trúc mới, uy nghiêm đồ sộ với ngót 180 ngôi, trên diện tích hơn 20 mẫu – là nhờ nguyện lực và sức bình sinh đích thân đứng ra tái tạo của vị đại sư nổi danh nhất Trung Quốc thời ấy: hòa thượng Hư Vân.

Nhưng, đầu xuân Tân Mão, Thứ bảy 31.3.1951, ngài Hư Vân đang mở “giới đàn Ngàn Phật” ở chùa Vân Môn, có đông đảo tứ chúng vân tập cùng 120 tăng, bỗng bị công an đến bao vây. Họ ào vào chùa, ngang nhiên bắt hòa thượng Hư Vân nhốt trong Phương trượng. Tất cả các cổng ra vào chùa đều có công an ngăn giữ, không cho ai thoát đi. Phật tử đến cúng dường, nghe kinh, bị ngăn lại, đuổi về. Các sư đang niệm hương lễ Phật, bị gom lên thiền đường giam giữ, nạt nộ “hỏi cung”.

Chủ nhật 8.4.1951 (3.3 Tân Mão): “hơn 10 người lực lưỡng kéo vào thất, ép buộc sư Hư Vân phải giao nộp vàng bạc, súng ống cho chúng. Sư bảo là không có. Họ bèn thẳng tay đánh đập. Ban đầu thì dùng gậy, sau dùng côn sắt, họ quất tới tấp vào đầu, cổ, khắp thân thể sư. Vừa đánh vừa nạt nộ tra hỏi. Tiếng dùi cui và cây sắt bổ xuống nghe rầm rầm. Ngài lỗ đầu, chảy máu, gãy xương sườn… nhưng ngài cứ nhắm mắt, ngậm miệng làm thinh nhập định. Hôm ấy, bọn chúng lôi sư xuống đất đánh đập dã man tới bốn lần. Đến khi thấy tình trạng sư quá nguy kịch, chỉ còn chờ chết, chúng mới kéo nhau đi”. Ngày thứ 10 của cuộc vây ráp chùa Vân Môn, công an đinh ninh hòa thượng Hư Vân đã chết vì bị họ đánh thẳng tay bằng côn sắt vào đầu, nhưng khi mở cửa phương trượng, họ thấy ngài vẫn đang… ngồi thiền!

Ngay trong lúc bị đánh đập tàn nhẫn nhứt, ngài vẫn an nhiên nhập định, lên cõi trời Đao Lợi nghe Phật Di Lặc thuyết giảng, không cảm thấy khổ.

Qua nhiều ngày không ăn không uống, Hư Vân lão sư đột nhiên tỉnh dậy, ngài nhờ người lấy giấy bút, ghi lại khoảng thời gian ngài đến được cõi trời, vào Đâu Suất cung, ngài nói: “Ta thấy mình đến bên trong tự viện, trang nghiêm mỹ lệ, khung cảnh thần tiên, được gặp Phật Di Lặc đang ngồi thuyết pháp, rất đông người nghe, khoảng hơn 10 người, như Giang Tây Hải Hội tự Chí Thiện hòa thượng, Thiên Thai Tông Dung Kính Pháp sư, Kỳ sơn Hằng Chí Công, Bách Tuế cung Bảo Ngộ hòa thượng, Bảo Hoa sơn Thánh Tâm hòa thượng, Độc Thể luật sư, Kim sơn Quan Tâm hòa thượng, cùng Tử Bách tôn giả, hết thảy đều rất quen thuộc, ta ngồi vào chỗ trống thứ 3, tôn giả A Nan ra vẻ đăm chiêu, ngồi gần ta, cùng nghe Di Lặc thuyết giảng  ‘Duy tâm thức định’, đoạn giảng chưa xong, ngài Di Lặc quay sang bảo ta: ‘Ngươi phải trở lại’; ta bảo: ‘Đệ tử nghiệp chướng sâu nặng, không muốn trở lại’, Phật Di Lặc nói: ‘Ngươi nghiệp duyên chưa xong, phải trở lại thế rồi ta mới quay về, nay viết thành bài kệ ”.

Đầu tháng 5.1951, trước áp lực trong cũng như ngoài nước, chính quyền Bắc Kinh phái một viên chức cao cấp cùng các nhân viên đến huyện Nhũ Nguyên để “điều tra sự vụ”, thả các vị tăng đang bị nhốt trong tù ra. Vài hôm sau, họ đem mấy tên công an đã đánh đập ngài đến để cho ngài nhận diện nhưng ngài từ chối không chỉ ra để tránh cho họ khỏi bị khép tội. Ngài cũng từ chối không ký tên vào bản cáo trạng nên sau cùng phái đoàn trung ương chỉ lập biên bản lấy lệ, nói rằng chỉ có một vài hiểu lầm nhỏ, không đáng kể mà thôi. Sự biến thảm khốc ở Vân Môn từ 24.2 đến 23.5.1951 chấm dứt. Sau đó đến năm 1953 ngài lại bình an đến chùa Ngọc Phật ở Thượng Hải để đả thất và thuyết pháp, đến năm 1959 ngài viên tịch, thọ 120 tuổi.

Hành trạng của Hư Vân hòa thượng cho thấy hành giả có thể an nhiên tự tại trong bất cứ hoàn cảnh nào không tùy thuộc vào ngoại cảnh. Đến như gia đình Bàng Uẩn thì lại càng tự tại, sinh tử hoàn toàn tự do, việc sống chết nhẹ tợ lông hồng chẳng chút bận tâm. Tóm lại hành giả thiền có thể sống với bình thường tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào, không tùy thuộc vào hoàn cảnh vì phá được ngã chấp và pháp chấp.

Viết bình luận của bạn:
Zalo
Chuyên Gia Tư vấn Tử Vi Phong Thủy Chú Tiến Ngạn