NGƯỜI ĐIÊN ĐẢO MỘNG TƯỞNG VÀ NGƯỜI THỨC TỈNH
19 Tháng 02
Đăng bởi:  NGUYỄN VĂN TIẾN

NGƯỜI ĐIÊN ĐẢO MỘNG TƯỞNG VÀ NGƯỜI THỨC TỈNH

  Người thế gian điên đảo mộng tưởng Người mộng tưởng là người sống trong điên đảo mộng tưởn...

 

Người thế gian điên đảo mộng tưởng

Người mộng tưởng là người sống trong điên đảo mộng tưởng. Điên đảo 顛倒 không phải là khùng điên mà có nghĩa là ngược ngạo, lộn ngược (upside down). Điên là đỉnh cao, ví dụ sơn điên 山顛 là đỉnh núi, điên phong 顛峰 là ngọn núi cao nhất trong dãy núi. Đảo 倒 là đảo ngược. Người điên đảo mộng tưởng là người đang ngủ mê cho rằng mộng là thực. Mộng là chiêm bao, huyễn ảo không có thật, nhưng người nằm mơ thì cứ tưởng là thật. Người chiêm bao thấy chiếc xe quý giá của mình bị mất, vô cùng hoảng hốt, sợ hãi, chợt giật mình thức dậy thấy chiếc xe vẫn còn bên cạnh thì vô cùng mừng rỡ. Sự sợ hãi hay mừng rỡ đó đều là vu vơ vô căn cứ, không có gì là thật, gọi là điên đảo mộng tưởng.

Tuyệt đại đa số con người sống trong thế gian đều là những người điên đảo mộng tưởng bởi vì họ bị quay cuồng theo những gì diễn ra trong giấc mộng giữa ban ngày còn gọi là mở mắt chiêm bao. Nhắm mắt chiêm bao thì mọi người đều biết, khi tỉnh dậy thì mọi người đều biết là những gì diễn ra trong chiêm bao là mộng ảo không có thật. Nhưng không ai biết cuộc sống đời thường của thế gian cũng là một loại mở mắt chiêm bao, giấc mơ ban ngày. Nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao cơ bản là giống nhau, đều là ảo hóa không có thật nhưng khác nhau về cấp độ. Tôi thử phân tích một số chỗ khác nhau :

Chỗ khác nhau Nhắm mắt chiêm bao Mở mắt chiêm bao
Lúc chiêm bao Thường là ban đêm Suốt cả ngày đêm
Thời gian chiêm bao Ngắn ngủi Dài vô tận
Cảnh giới Không vững chắc, đầu Ngô mình Sở Khá vững chắc, có trật tự hợp lý, kết cấu có quy luật
Các thức tham dự Chỉ có ý thức (độc đầu ý thức) Cả 8 thức đều tham dự
Thành phần tham dự trong ngũ uẩn Chỉ có thọ, tưởng, hành, thức (phần tinh thần)   Có đủ sắc (vật chất), thọ, tưởng, hành, thức  
Khả năng chủ động điều khiển Khó vận dụng điều khiển giác quan, khó chủ động nhưng có thể có động tác phi thường, chẳng hạn bay được Điều khiển dễ dàng trơ tru hơn, có vẻ như chủ động nhưng phải tuân theo định luật vật lý
Khả năng tỉnh dậy Dễ thức dậy Không bao giờ tỉnh thức kể cả lúc chết
Cách nào để thức tỉnh Ngủ đã thì thức dậy Phải giác ngộ mới thức dậy được
Lộ trình để tỉnh thức Không cần lộ trình Phải đi từ nghi tới ngộ, không nghi thì không ngộ

Tóm lại mở mắt chiêm bao là giấc mơ dài và khá vững chắc nên người nằm mơ tin tưởng 100% đó là cảnh thật, tất cả giác quan đều tham dự, cảnh giới vật chất đều rất rõ ràng và vững chắc nên hành giả không có một chút xíu nghi ngờ nào về cảnh giới này là giả.

Thế nên dù cho Phật và các vị Tổ Sư đều bảo rằng đó chỉ là cảnh giới hư giả, huyễn ảo nhưng có rất ít người tin. Kinh Kim Cang nói :

一切有為法,Nhất thiết hữu vi pháp        Tất cả pháp hữu vi

如夢幻泡影,Như mộng huyễn bào ảnh  Như mộng huyễn bọt bèo

如露亦如電,Như lộ diệc như điện          Như sương mai điện chớp

應作如是觀.  Ưng tác như thị quán          Nên thấy rõ như thế

 Pháp hữu vi là pháp do tưởng tượng, do tạo tác mà có. Mặc dù Phật tử rất tin vào Phật và Tổ nhưng nói cho cùng họ vẫn tin vào giác quan mắt thấy tai nghe của mình hơn. Bởi vì cái thói quen nhận thức đã in sâu vào tiềm thức của họ từ rất lâu rồi, nhiều đời nhiều kiếp, nên không dễ gì một bài kệ hay một lời nói của Phật, Tổ, có thể làm lung lay nhận thức đó.

Cái thói quen nhận thức lâu đời đó được kinh điển gọi là thế lưu bố tưởng 世流布想 có nghĩa là tưởng tượng đã truyền qua nhiều đời thành thói quen phổ biến. Vì dụ tại sao con người thấy sông núi, cây cối, sinh vật ? Liệu các vật thể đó là sự thật khách quan hay chỉ cảm giác chủ quan có đông người cùng cảm nhận giống nhau ? Câu trả lời của Phật pháp, đó chỉ là chủ quan tập thể chứ không phải là sự thật khách quan, độc lập ngoài tâm thức. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng Nhất thiết pháp vô tự tính 一切法無自性 (tất cả các pháp đều không có sẵn đặc  trưng đặc điểm) nghĩa là các hạt cơ bản như photon, electron, quark…đều không có sẵn đặc trưng nên tất cả các pháp (vạn vật) cũng không có đặc trưng, không có thật. Vậy tại sao chúng ta thấy nhà cửa, sông núi, sinh vật, con người… rất là thật, có thể tiếp xúc, sờ mó, ăn uống, tiêu hóa, tăng trưởng ? Phật pháp trả lời là Nhất thiết duy tâm tạo 一切唯心造 (tất cả sự vật đều là do tâm tưởng tượng ra). Tâm tưởng tượng ra các hạt cơ bản (kinh điển gọi là hoa đốm trong hư không), tâm tưởng tượng ra số lượng rồi từ đó tưởng tượng ra không gian và thời gian. Có một thí nghiệm khoa học minh họa cho sự tưởng tượng này của tâm : thí nghiệm hai khe hở (Double slit experiment)  sau đây :

Bắn từng hạt electron qua một tấm chắn có 2 khe hở nhỏ, phía sau là màn hứng hiển thị kết quả. Sở dĩ phải bắn từng hạt electron chứ không phải bắn cùng lúc nhiều hạt để tránh trường hợp các hạt va chạm nhau bay tứ tung làm sai lạc kết quả. Sau khi bắn như vậy khoảng một tiếng đồng hồ, kết quả như sau :

Khi không có người quan sát, không có tâm niệm thì hạt electron chỉ là sóng thể hiện thành nhiều vạch

Khi có người quan sát, có nhất niệm vô minh khởi lên thì sóng mới biến thành hạt electron và chỉ thể hiện 2 vạch tương ứng với 2 khe hở

Điều đó chứng tỏ tâm của người quan sát tạo ra hạt electron là một hạt cơ bản của vật chất, nếu không có người quan sát thì electron chỉ là sóng vô hình, vô thể, không có vị trí nhất định trong không gian hay thời gian. Tính không nhất định về không gian thể hiện ở chỗ ta đứng ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới cũng có thể đọc được bài viết này miễn có internet. Tính không nhất định về thời gian thể hiện ở chỗ ta có thể đọc bài viết này trên điện thoại hoặc laptop bất cứ lúc nào ta rảnh, không hạn chế thời gian giờ giấc. Tính không nhất định về không gian và thời gian chính là điều mà kinh điển gọi là vô sở trụ (non locality).

Tâm tưởng tượng ra số lượng, không gian và thời gian có thể được minh họa qua thí nghiệm khoa học gọi là hiện tượng chồng chập rối rắm liên kết lượng tử (quantum entanglement).

Liên kết lượng tử (quantum entanglement)  

Các nhà khoa học có thể làm cho một photon (hạt cơ bản ánh sáng) xuất hiện đồng thời ở hai vị trí khác nhau hoặc ở rất nhiều vị trí khác nhau. Hiện nay vệ tinh lượng tử Mặc Tử của TQ có thể làm cho một photon xuất hiện ở hai nơi cách xa nhau 4600 km. Hai hoặc nhiều photon xuất hiện đồng thời chứng tỏ số lượng hạt photon là không có thật, tâm tưởng tượng ra số lượng nhiều không giới hạn trong vũ trụ. Khoảng cách giữa hai photon được gọi là không gian cũng là do tâm tưởng tượng ra. Vì khoảng cách giữa hai photon chỉ là ảo không có thật nên thời gian cần thiết để di chuyển từ photon A tới photon B cũng là không có thật, không mất thời gian, cụ thể người ta không mất chút thời gian nào để truyền tín hiệu đi xa 4600km mà vệ tinh lượng tử tạo ra, và trong tương lai người ta có thể sẽ truyền tín hiệu đến Sao Hỏa ngay tức thời chứ không phải cần từ 5 tới 20 phút (tùy vị trí giữa Trái Đất và Sao Hỏa trên quỹ đạo chung quanh Mặt Trời) như hiện nay. Hơn nữa sẽ không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng giao hội (Mars-Earth solar conjunction) giữa Sao Hỏa Trái Đất và Mặt Trời. Đó là khi Mặt Trời nằm giữa Trái Đất và Sao Hỏa thì tín hiệu liên lạc giữa Trái Đất và Sao Hỏa bị gián đoạn. Nhưng khi con người ứng dụng hiện tượng liên kết lượng tử thì liên lạc sẽ tức thời và không bị gián đoạn, do tín hiệu thực tế là không có truyền đi xuyên qua mặt trời. Vì vậy bất cứ lúc nào Trái Đất cũng sẽ liên lạc được với Sao Hỏa và liền tức thời chứ không phải chờ từ 5-20 phút như hiện nay.

Nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 là Einstein rất kinh ngạc và bối rối trước hiện tượng quantum entanglement, ông gọi hiện tượng này là Spooky action at a distance (tác động ma quái từ xa). Ông bối rối vì luôn cho rằng khoảng cách không gian là có thật.

Thí nghiệm liên kết lượng tử chứng tỏ rõ ràng rằng số lượng, không gian và thời gian chỉ là tưởng tượng chứ không phải có thật. Thế nhưng tất cả mọi người trên thế gian này đều thấy không gian, thời gian, số lượng, vũ trụ, mặt trời, hành tinh, sông núi, sinh vật, con người…đều là thật. Chính vì vậy kinh điển Phật giáo mới nói con người thế gian là điên đảo mộng tưởng, nằm mơ giữa ban ngày, mở mắt chiêm bao.

Tóm lại con người tưởng tượng ra hạt cơ bản của vật chất (material particles). Tiếp tục tưởng tượng rằng các hạt cơ bản cấu trúc thành nguyên tử, phân tử, cố thể vật chất, thành vạn vật bao gồm cả sinh vật, con người, không gian, thời gian, số lượng.

Nhưng khi hạt cơ bản đã thành vạn vật thì hành xử của vạn vật lại khác hẳn với hạt cơ bản do có yếu tố không gian, thời gian, số lượng xen vào. Do đó nhận thức của con người ngược hẳn với bản chất của sự vật. Từ không biến thành có, từ không có thật biến thành có thật, từ phù du điện chớp biến thành kiên cố lâu dài…Cái đó gọi là điên đảo mộng tưởng.          

Người thức tỉnh           

Người thức tỉnh là người đang mở mắt chiêm bao hay nằm mơ giữa ban ngày bỗng chợt tỉnh thức dậy vì nhận ra thế gian chỉ là mộng ảo. Người điên đảo mộng tưởng chiếm tuyệt đại đa số trong nhân loại. Còn người thức tỉnh chỉ chiếm một tỷ lệ vô cùng nhỏ. Người thức tỉnh bao gồm Đức Phật, các vị Bồ Tát, các vị Tổ Sư Thiền và một số thiền sư hoặc hành giả tham thiền kiến tánh giác ngộ. Người thức tỉnh còn gọi là người giác ngộ hay kiến tánh, nói tắt là Phật, kiến tánh thành Phật 見性成佛 chỉ có nghĩa là giác ngộ. Họ ngộ được cái bản tánh bất nhị của tất cả các pháp mà kinh điển gọi là vô sinh pháp nhẫn.

Vô sinh pháp nhẫn 無生法忍(Sanskrit:anutpattika-dharma-kṣānti)là một thuật ngữ Phật giáo xuất phát từ Kinh Đại Bát Nhã 大般若經 quyển 449 Phẩm Chuyển Bất Chuyển 轉不轉品. Vô sinh nghĩa là không có sinh khởi, không có bắt đầu, không do cái gì sinh ra cũng tức là không có thật mà cũng không phải là giả. Đó là một trạng thái tuyệt đối bất nhị, bất biến, không có chuyển động, không thay đổi. Trạng thái không thay đổi gọi là pháp nhẫn. Nhẫn tức là bất biến, không có chuyển động, không lay động, không thay đổi (constant). Thuật ngữ này để diễn tả Tâm bất nhị vô sinh vô diệt không thay đổi.

Người tu theo Phật giáo là muốn phát hiện cái tâm này, đó mới thực sự là ta cũng là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Trong lịch sử thiền tông, Ngài Động Sơn Lương Giới (807-869), khi kiến tánh có làm bài kệ :

切忌从他觅  Thiết kị tòng tha mích (mịch) Rất kị tìm cầu ở người khác

迢迢与我疏  Điều điều dữ ngã sơ           Như vậy là xa với chính mình

我今独自往  Ngã kim độc tự vãng         Nay ta tự mình đến

处处得逢渠  Xứ xứ đắc phùng cừ          Khắp nơi đều gặp nó

渠今正是我  Cừ kim chính thị ngã         Nó chính là mình đây

我今不是渠  Ngã kim bất thị cừ             Mà mình không phải là nó

应须恁么会  Ưng tu nhẫm ma hội           Phải ngộ được như thế

方得契如如  Phương  đắc khế như như   Mới khế hợp với chân như

Thầy Duy Lực đã giảng như sau (câu 1242)

1242 Xin Sư Phụ giải thích bài kệ của Ngài Động Sơn Lương Giới

Cái tâm này vô hình, vô thể, vô tướng nên không thể nắm bắt, không thể định nghĩa được, sự suy tư của bộ não con người không thể quan niệm, không thể hiểu được nó. Chính vì vậy Tổ Sư Thiền mới nêu ra tôn chỉ : Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự. Ngôn ngữ có giới hạn, nó diễn tả một khái niệm của ý thức, đó là tưởng tượng, suy tưởng, nghĩ ngợi trong khi tâm là một thực thể vô thể, thực tướng vô tướng không bị giới hạn.

Trong sách Ngũ Đăng Hội Nguyên 五燈會元 có kể câu chuyện : Duy Tín thiền sư 惟信禪師 ở Cát Châu 吉州 thượng đường, nói : “Lão tăng tam thập niên tiền, vị tham thiền thời, kiến sơn thị sơn, kiến thủy thị thủy. Cập chí hậu lai, thân kiến tri thức, hữu cá nhập xứ, kiến sơn bất thị sơn, kiến thủy bất thị thủy. Nhi kim đắc cá hưu hiết xứ, y tiền kiến sơn chi thị sơn, kiến thủy chi thị thủy” 『老僧三十年前未參禪時,見山是山,見水是水,及至後來,親見知識,有箇入處,見山不是山,見水不是水,而今得箇休歇處,依前見山祇是山,見水祇是水。』(Lão tăng 30 năm trước lúc chưa tham thiền, thấy núi là núi, thấy sông là sông. Về sau khi tự mình tiếp thu tri thức, vào cảnh giới thiền, thấy núi không phải là núi, thấy sông không phải là sông. Bây giờ được cảnh giới tự tại, thấy núi vẫn là núi, thấy sông vẫn là sông, như trước kia.)

Câu chuyện này nói lên cái gì ? Không phải cảnh biến đổi vì cảnh không có tự tính, mọi việc đều là do tâm phân biệt, tâm tưởng tượng, tâm tạo ra. Do đó tâm chuyển thì cảnh chuyển, tâm mới quyết định chứ không phải cảnh quyết định, cảnh tùy tâm hiện.

Có một bài kệ diễn tả cái thấy khác hẳn người thường

Tác giả của bài kệ này là Phó Đại Sĩ 傅大士 sống vào thế kỷ thứ năm Công nguyên, dưới thời Lương Võ Đế đời Nam và Bắc triều. Ông tên thật là Phó Hấp 傅翕, là một cư sĩ Phật giáo nổi tiếng, cùng với Bồ Đề Đạt Ma và Thiền sư Bảo Chí 寶誌, được xưng tụng là ba đại sĩ  thời nhà Lương.

Phó Hấp không được học hành nhiều, là một ngư dân nhưng có nhiều quái chiêu. Ví dụ: Mỗi khi bắt được cá, anh ta cho vào lồng tre, thả xuống nước sâu và niệm chú với cá: “Ai muốn đi thì đi, ai muốn dừng thì dừng ”. Người đời cho rằng anh ta ngu ngốc, nhưng anh ta đã không để ý, và sau đó anh ta đã bỏ nghề đánh cá và thay thế bằng nghề canh nông. Bài kệ như sau :

空手把鋤頭 Không thủ bả sừ đầu   Tay không cầm cái bừa

步行騎水牛 Bộ hành kỵ thủy ngưu Đi bộ cỡi lưng trâu

人從橋上過 Nhân tòng cầu thượng quá  Người người đi trên cầu

橋流水不流 Cầu lưu thủy bất lưu  Cầu chảy nước không chảy

Những ý trong bài kệ này đều ngược ngạo so với nhận thức của người đời. Tay cầm cái bừa nhưng vẫn là tay không. Đi bộ tức là đi trên mặt đường nhưng đồng thời lại là đang ngồi cỡi lưng trâu. Mọi người đang đi trên cầu, nhưng không phải nước chảy mà là cầu chảy. Người thế gian thì điên đảo mộng tưởng, muốn thoát khỏi điên đảo thì phải thấy ngược lại với người thế gian.

Vấn đề là cái thấy của Phó Hấp có cơ sở khoa học hay không ? Có đấy. Hiện tượng liên kết lượng tử cho thấy rõ như vậy. Không gian, thời gian, số lượng, vật chất, hình tướng, đều không có thật, đều chỉ là ảo hóa, bản chất đều là không như Bát Nhã Tâm Kinh đã chỉ ra : Sắc bất dị Không, Sắc tức thị Không.

Do đó cái thấy của người thế gian và cái thấy của người thức tỉnh tuy ngược nhau nhưng thật ra là không có khác. Đúng như Duy Tín thiền sư nói, lúc chưa hiểu đạo, thấy núi là núi, thấy sông là sông. Đến khi bắt đầu tham thiền, thấy núi không phải là núi, thấy sông không phải là sông. Nhưng khi ngộ đạo, thấy núi vẫn là núi, thấy sông vẫn là sông, giống như người thế gian, tuy nhiên trong thâm tâm không còn chấp thật nữa nên không còn bị hoàn cảnh sai sử. Đây chính là Trung Đạo, là vô sở trụ mà Long Thọ Bồ Tát đề cập trong Trung Quán Luận. Trung Quán Luận có 446 bài kệ với 1784 câu. Hành giả không cần phải đọc hết 446 bài kệ, chỉ cần hiểu cho rõ một bài thôi cũng đủ. Tôi chọn bài sau đây để đi sâu :  

Phẩm thứ tư : Phá Ngũ Ấm

Phần này nêu ra sự sai lầm trong nhận thức về thế giới. Chúng ta thường chấp thật tức là cho rằng thế gian là có thật, không biết rằng thế gian chỉ là ảo hóa do sự vận động của ngũ ấm. Bài kệ này nói về hạt nhân nguyên tử.  

Bán kính từ hạt nhân tới quỹ đạo của hạt electron là 5x 1011  m tức 0.05 nm (5% của 1 nm)

若離於色因 Nhược ly ư sắc nhân  Nếu lìa hạt nhân của vật chất

色則不可得 Sắc tắc bất khả đắc     Vật chất ắt không thể thành lập

若當離於色 Nhược đang ly ư sắc   Trong lúc lìa khỏi vật chất

色因不可得 Sắc nhân bất khả đắc  Hạt nhân của vật chất không thể thành lập

離色因有色 Ly sắc nhân hữu đắc   Lìa hạt nhân vật chất mà có vật

是色則無因 Thị sắc tắc vô nhân     Là vật chất không có hạt nhân

無因而有法 Vô nhân nhi hữu pháp  Không có hạt nhân mà có vật

是事則不然 Thị sự tắc bất nhiên     Không thể có việc như vậy

Ngũ ấm 五陰 Skandhas hay ngũ uẩn 五蘊 là năm tích hợp của tất cả các pháp. Ngũ uẩn bao gồm : sắc 色 là vật chất (material); thọ 受 là cảm nhận (perceptions); tưởng 想 là tưởng tượng (imagination); hành là vận động 行 (motion); thức 識 là nhận thức, phân biệt (consciousness). Ngũ uẩn tạo ra thế giới với muôn vàn sai biệt.

Sắc phải hiểu là vật chất, nhân là hạt nhân của vật chất, phải hiểu là hạt nhân của nguyên tử. Long Thọ Bồ Tát có huệ nhãn ắt thấy được cấu trúc của nguyên tử. Nếu không có hạt nhân thì ắt không có nguyên tử, không có vật chất. Không có nguyên tử thì cũng không có hạt nhân. Nếu không có hạt nhân mà có nguyên tử, như vậy vật chất không có hạt nhân. Không có hạt nhân mà có vật chất, không thể có việc đó.

Vậy những hạt cơ bản hay hạ hạt nguyên tử (subatomic particles) thì có hạt nhân là gì ? Chúng vốn là phi vật chất (dạng sóng) hay dạng tiềm thể (potentialities) của vật chất, nghĩa là không phải vật chất, chỉ khi chúng được quan sát hay cảm nhận hay đo đạc thì mới thành dạng hạt và có đặc tính của vật chất. Khi đã thành hạt vật chất hay hạt cơ bản, vậy hạt nhân hay nguyên nhân hiện hữu của chúng là sự quan sát, đo đạc hay cảm nhận, nếu không có quan sát, cảm nhận, thì hạt vật chất cũng bất thành, thí nghiệm hai khe hở ở trên đã xác nhận điều này :

Kết luận

Tóm lại Ngũ ấm 五陰 cũng tức là Ngũ uẩn giai không 五蘊皆空 nên trong Tam giới, không một pháp nào có thật cả. Huệ Năng từng nói : Bản lai vô nhất vật  本 來 無 一 物 Xưa nay không có một vật gì là có thật cả, bởi vì hạt cơ bản của vật chất vốn là không có thật, chỉ là hoa đốm trong hư không, nên trong pháp giới không một pháp nào có thật cả, chúng ta không nên cố chấp, tất cả chỉ là tương đối, tất cả chỉ là trò chơi. Chúng ta cứ chơi nhưng đừng có chấp thì sẽ không có khổ.  

Vậy người điên đảo mộng tưởng và người thức tỉnh có thấy giống nhau không ? Có thấy giống nhau như Duy Tín thiền sư đã nói. Nhưng có chỗ nào khác nhau không ? Cũng có chỗ khác nhau. Người thức tỉnh không chấp thật nên tự do. Còn người điên đảo mộng tưởng chấp thật nên bị trói buộc và khổ. Vì khổ nên phải tu, nhưng tu cho tới cuối cùng giống như người đã trèo tới mút ngọn sào cao trăm mét rồi vẫn phải bước thêm bước nữa. Thiền sư Chiêu Hiền 招 賢 đời Tống diễn tả ý này trong bài kệ :

百尺竿頭不動人 Bách xích can đầu bất động nhân, Sào cao trăm thước người lặng thinh,

雖 然 得 入 未 為 真 Tuy nhiên đắc nhập vi vi chân.  Tuy là cao vút hết đường binh

百 尺 竿 頭須 進 步  Bách xích can đầu, tu tiến bộ, Đầu sào vẫn cần tiếp bước nữa

十 方 世 界全身 Thập phương thế giới thị toàn thân. Mười phương thế giới chính là mình.

Bước thêm bước nữa thì rơi xuống đất, chết đi sống lại như Lai Quả thiền sư nói trong Tham Thiền Phổ Thuyết 參禪普說 :

百尺竿頭懸崖撒手絕後再甦 Bách xích can đầu huyền nhai tát thủ tuyệt hậu tái tô (Đầu sào trăm thước, treo bên ven núi, buông tay (rớt xuống) chết đi sống lại.

Tuyệt hậu tái tô 絕後再甦 cùng đường chết đi sống lại là nói theo nghĩa bóng, ý nói người giác ngộ phá ngã chấp và pháp chấp, giống như cái tôi giả đã chết nhưng vẫn sống lại cuộc sống đời thường, không còn chấp thật nữa, hết điên đảo mộng tưởng.

Viết bình luận của bạn:
Zalo
Chuyên Gia Tư vấn Tử Vi Phong Thủy Chú Tiến Ngạn