PHÁP THÂN PHI TƯỚNG
19 Tháng 02
Đăng bởi:  NGUYỄN VĂN TIẾN

PHÁP THÂN PHI TƯỚNG

Trong Phật pháp có thuyết Tam Thân 三身 tức là 3 hình thái của Như Lai Phật : Pháp thân 法身,&nb...

Trong Phật pháp có thuyết Tam Thân 三身 tức là 3 hình thái của Như Lai Phật :

Pháp thân 法身,  (dharmakāya) tức là bản thể của Phật cũng như của tất cả chúng sinh, bản thể này vốn đồng, chúng sinh cũng là Phật. Pháp thân thì vô hình, vô tướng, vô thể. Nó giống như hư không nhưng không phải hư không vì nó bao hàm vô lượng thông tin vô định hình nghĩa là chưa phân cực thành nhị nguyên, chưa thành những cặp phạm trù đối lập nhau như âm dương, sáng tối, tốt xấu, thiện ác, Phật chúng sinh v.v… 

Báo thân  報身,  (saṃbhogakāya) là cái thân do nghiệp tạo thành. Các vị Phật, Bồ Tát do công phu tu tập thiện nghiệp nên có thân thể tốt đẹp với 32 tướng tốt, có trí tuệ, có sự nghiệp sáng chói, chẳng hạn Đức Phật Thích Ca là người sáng lập Đạo Phật, ngài có thể lực phi phàm, trí tuệ siêu việt. Còn chúng sinh thì thường điên đảo mộng tưởng, mê muội; người khéo tu thì có phước báo, người vụng tu tạo nghiệp không tốt thì gặp nghịch cảnh, trôi lăn trong 6 nẻo luân hồi.

Ứng thân  應身, (nirmāṇakāya), cũng được gọi là Hoá thân 化身Phật, Bồ Tát hay các vị giác ngộ triệt để có thần thông có thể biến hóa theo ý muốn, sinh tử tự do, có thể đến cảnh giới nào cũng được. Chẳng hạn ngài Động Sơn Lương Giới 洞山良价(807-869 CN) hay Ngộ An thiền sư 遇安禅师 (924-995) muốn sống hay muốn chết lúc nào cũng được. Còn chúng sinh mê muội thì không tự làm chủ được nên chưa có khả năng hóa thân.

Sau khi hiểu sơ về Tam Thân chúng ta mới bàn về Pháp thân phi tướng là thế nào. Pháp thân thì vô hình vô thể nên không có tướng, nhưng đó mới là căn bản của tất cả Phật và chúng sinh, của toàn thể pháp giới vô biên. Kinh Kim Cang có đề cập tới vấn đề này trong bài kệ :

Nhược dĩ sắc kiến ngã, 若以色見我 Nếu dựa vào hình tướng vật chất để thấy ta

Dĩ âm thanh cầu ngã,    以音聲求我 Lấy âm thanh để tìm cầu ta

Thị nhân hành tà đạo,   是人行邪道 Người đó là đang hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai.  不能見如來 Không thể thấy được Như Lai        

Nhược dĩ sắc kiến ngã là sao ? Đó là những người ham thích hình tướng với 32 tướng tốt của Phật, vẽ hình Phật treo khắp nơi, tạc tượng Phật khắp các hang núi, xây dựng thật nhiều chùa chiền với hàng lô hàng lốc tượng Phật, đưa hình Phật, Bồ Tát lên khắp các trang mạng, thường xuyên đi chùa lạy tượng Phật…

Dĩ âm thanh cầu ngã là sao ? Đó là những người ưa thích đọc tụng kinh Phật, một ngày mấy thời tụng kinh, mở miệng ra là Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, nghe không biết bao nhiêu băng giảng, video clip thuyết pháp. Có người còn chép bao nhiêu bài thuyết pháp trong điện thoại để nghe tới nghe lui cầu giác ngộ.

Vậy những người đó có thấy được Như Lai tức là giác ngộ giải thoát không ? Câu trả lời là không. Tuyệt đại đa số là không thể giác ngộ. Chỉ có một số cực kỳ ít sau một thời gian dài lạy tượng Phật và tụng kinh, tu theo giáo môn rồi sau đó họ chuyển sang thiền định, chẳng hạn ngài Vĩnh Gia Huyền Giác cuối cùng phải bỏ giáo môn, bỏ tướng mới giác ngộ mới hiển tánh được.

Tại sao tuyệt đại đa số không thể giác ngộ ? Bởi vì như đoạn kinh trên đã nói, đó là  hành tà đạo tức là đi sai đường nên không thể đến đích được.

Tà đạo là gì ? đó là con đường cong, con đường xiên lệch. Hành tà đạo là đi con đường lệch lạc nên chắc chắn là không thể đến đích. Chẳng hạn một người mê thích hình tướng Phật, ngày nào cũng vào chùa lạy tượng Phật. Hoặc một người khác mê thích tụng kinh, ngày nào cũng tụng Bát Nhã Tâm Kinh suốt đời thì có thể giác ngộ không ? Tụng kinh suốt đời cũng không thể giác ngộ.      

Thế nào là tà đạo ? Tà đạo là biên kiến, cái thấy lệch một bên. Chẳng hạn một người suy nghĩ thiện làm điều thiện, đó cũng là lệch một bên, rồi thiện sẽ biến thành ác. Một người khác suy nghĩ ác, làm điều ác, đó cũng là lệch một bên. Làm thiện hay làm ác đều là do biên kiến (cái thấy lệch một bên) và đều là hành tà đạo nên không thể giác ngộ. Ắt có người hỏi : Vậy không nên làm thiện sao ? Không hẳn thế, làm thiện hay làm ác, đó là việc tùy duyên. Chẳng hạn đi đường gặp người đói thì nên bố thí chút thực phẩm hoặc tiền. Trong trường hợp thấy một kẻ đang xả súng bắn giết bừa bãi, nếu có thể làm ác bắn hạ kẻ đó để cứu nhiều người khác thì cũng nên làm.  Còn biến việc làm thiện hay làm ác thành một chủ trương và làm hoài làm mãi thì cũng sẽ không đi tới đâu, không thể đi tới giác ngộ giải thoát. Ví dụ sau một trận thiên tai có nhiều người đói khổ, mất nhà cửa, thì chúng ta nên cứu trợ giúp đỡ nạn nhân qua cơn bĩ cực. Nhưng nếu chúng ta thích làm từ thiện tự nguyện đem cả cuộc đời mình đi cứu giúp những người khổ sở thì cũng sẽ không đi tới đâu, người khổ sẽ còn hoài, hết thiên tai này tới nhân họa nọ, không thể chấm dứt được. Và việc làm của mình trở thành tà đạo vì xuất phát từ biên kiến, rốt cuộc mình cũng không thể giác ngộ.       

Chính vì để tránh biên kiến nên Long Thọ Bồ Tát đã soạn ra Trung Quán Luận, khuyên hành giả nên theo Trung Đạo thay vì rơi vào biên kiến.

Trung Quán Luận của Long Thọ Nàgàrjuna Bồ Tát là một bộ luận rất dài gồm 27 phẩm (chương) với tất cả 446 bài kệ, mỗi bài 4 câu, mỗi câu 5 chữ, tổng cộng 1784 câu. Bộ kinh này đã được Cưu Ma La Thập 鳩摩羅什 Kumārajīva (344-413CN) dịch ra Hán văn. Lý luận rất trừu tượng khó nắm bắt. Vì vậy các vị đại luận sư Ấn Độ sau Long Thọ giải thích Trung Quán Luận với rất nhiều bất đồng làm rối trí hàng hậu học. Chúng ta chỉ nên bàn về yếu chỉ của bộ luận.

Yếu chỉ là muốn nói chỉ nêu phần cốt yếu mà thôi chứ không trình bày hết toàn bộ Trung Quán Luận bởi vì bộ luận quá dài dễ làm phân tâm rối trí người đọc.

Ngay cả 446 bài kệ nguyên tác của Long Thọ cũng không cần thiết phải đọc hết, điều quan trọng là nắm được yếu chỉ. Sự việc cũng giống như người học Phật không cần phải đọc hết Đại Tạng Kinh, điều cần thiết là nắm được yếu chỉ của Phật pháp. Thay vì đọc hết Đại Tạng Kinh, người học Phật chỉ cần hiểu cho thật rõ ràng 4 chữ thôi : Ngũ Uẩn Giai Không 五蘊皆空 thì tốt hơn nhiều. Do đó đọc Trung Quán Luận cần nắm được yếu chỉ của tác phẩm hơn là đọc hết 446 bài kệ.

Thật ra, chỉ một bài kệ thứ nhất thôi cũng đủ bao quát toàn bộ yếu chỉ của Trung Quán Luận. Tôi nhận thấy cần phải kết hợp với khoa học hiện đại để hiểu thật rõ ý nghĩa của các bài kệ.

Phẩm thứ nhất : Phá Nhân Duyên

Bài này phá cái ý chấp thật về vũ trụ, về nhân duyên, về vật chất, về các pháp

不生亦不滅 Bất sinh diệc bất diệt           Không sinh cũng không diệt

不常亦不斷 Bất thường diệc bất đoạn   Không tồn tại mãi cũng không tiêu mất

不一亦不異 Bất nhất diệc bất dị             Không đồng nhất cũng không khác nhau

不來亦不出 Bất lai diệc bất xuất              Không đến cũng không đi

諸法不自生 Chư pháp bất tự sinh           Các pháp không tự sinh ra

亦不從他生 Diệc bất tòng tha sinh           Cũng không phải do vật khác sinh ra

不共不無因 Bất cộng bất vô nhân           Không phải cộng sinh cũng không phải tự nhiên mà có

是故知無生 Thị cố tri vô sinh                  Vì vậy biết là vô sinh

Bài kệ này mô tả khái quát vũ trụ vạn vật điển hình là cõi thế gian. Vũ trụ không có sự sinh thành cũng không có sự tiêu vong. Thuyết Big Bang của khoa học mô tả sự sinh thành của vũ trụ, nhưng đó chỉ là mô tả, không phải thực tế, mô tả đó chỉ là vọng tưởng của bộ não con người không phải là tất cả sự thật. Bài kệ nói về thắng nghĩa của vũ trụ vạn vật, nó không tự sinh ra cũng không mất đi, cũng không phải do vật khác sinh ra, cũng không phải do nhân duyên hòa hợp giữa hai vật mà thành (cộng sinh), cũng không phải tự nhiên mà có (vô nhân). Vì vậy nên biết là vô sinh tức chỉ là ảo tưởng không có thật.

Vô sinh là một yếu chỉ quan trọng trong Phật pháp. Ý tưởng vô sinh được đúc kết trong thuật ngữ vô sinh pháp nhẫn 無生法忍.

Kinh Đại Bát Nhã giải thích vô sinh pháp nhẫn như sau :

《大般若經》 卷四四九〈轉不轉品〉雲(大正7•264b):‘如是不退轉菩薩摩訶薩,以自相空,觀一切法,已入菩薩正性離生,乃至不見妙法可得。不可得故,無所造作。 無所造作故,畢竟不生。畢竟不生故,名無生法忍, 由得如是無生法忍故,名不退轉菩薩摩訶薩。’此謂菩薩觀諸法空,入見道初地,始見一切法畢竟不生之理,名無生法忍

(Đại Bát Nhã Kinh, quyển 449, “Chuyển bất chuyển phẩm” vân (Đại Chánh 7.264b) : “Như thị bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát, dĩ tự tướng không, quán nhất thiết pháp, dĩ nhập Bồ Tát chánh tánh ly sanh, nãi chí bất kiến diệu pháp khả đắc. Bất khả đắc cố, vô sở tạo tác. Vô sở tạo tác cố, tất cánh bất sanh. Tất cánh bất sanh cố, danh vô sanh pháp nhẫn. Do đắc như thị vô sanh pháp nhẫn cố, danh bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát. Thử vị Bồ Tát quán chư pháp không, nhập kiến đạo sơ địa, thủy kiến nhất thiết pháp tất cánh bất sanh chi lý, danh vô sanh pháp nhẫn).

Dịch nghĩa : Đại Bát Nhã Kinh, quyển 449, “phẩm Chuyển Bất Chuyển” nói (trích Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, trang 7.264b) : “Bồ Tát Ma Ha Tát (Ma Ha Tát Mahasattva phiên âm đầy đủ là Ma Ha Tát Đỏa 摩诃萨埵 là đại sĩ, người có nguyện lực rộng lớn) bất thoái chuyển như thế, lấy tự tướng “không” để xem xét tất cả các pháp, đã vào được cảnh giới không còn sanh diệt của Bồ Tát, đến mức không còn thấy có diệu pháp để đắc. Vì không thể có đắc nên không có cái để tạo tác. Vì không có cái tạo tác, nên tất yếu là bất sanh. Vì tất yếu là bất sanh nên gọi là vô sanh pháp nhẫn (trạng thái bản lai không có sanh diệt). Người chứng được vô sanh pháp nhẫn như thế gọi là Đại Bồ Tát bất thoái chuyển (không lui sụt). Đó gọi là Bồ Tát thấy các pháp là không, nên vào được sơ địa của con đường giác ngộ, bắt đầu thấy cái lý tất yếu bất sanh của tất cả các pháp, gọi là vô sanh pháp nhẫn.

Tại sao biết thế giới không có thật ? Vì vật không có tự tính, một hạt proton hay hạt neutron hoặc hạt electron đều không có thuộc tính (properties) gì cả, những thuộc tính như số đo spin, vị trí, khối lượng, điện tích của hạt, đều là do người khảo sát đo đạc gán ghép cho hạt, chứ nó không có sẵn, không chắc chắn có (uncertainty). Nhận thức này do nhà khoa học Niels Bohr đưa ra và một nhà khoa học khác là Alain Aspect kiểm chứng năm 1982 tại Paris trong thí nghiệm về liên kết lượng tử (quantum entanglement). Thí nghiệm đó rút ra hai kết luận quan trọng :

Một là vật không hiện thực (non realism) tức vật chỉ là tưởng tượng không có thật. Hai là vật không có vị trí nhất định (non locality=vô sở trụ). Một vật ổn định và có vị trí và các thuộc tính xác định trong không gian và thời gian, chỉ là tưởng tượng của bộ não.

Chính vì những hạt cơ bản (elementary particles) chỉ là hạt ảo không có thật, quark, proton, neutron và electron đều là hạt ảo nên nguyên tử do chúng cấu tạo cũng là ảo, nguyên tử không phải là một vật có thật. Niels Bohr nói : “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập (tách khỏi người quan sát) là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật). Một nhà khoa học khác là Werner Heisenberg nói : “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).

Vạn vật trong vũ trụ đều do nguyên tử cấu tạo mà nguyên tử chỉ là vật ảo nên vạn vật cũng chỉ là ảo. Vũ trụ vạn vật là do tưởng tượng có điều kiện. Điều kiện đó Phật pháp gọi là nhân duyên hay duyên khởi. Bởi vì các hạt cơ bản vốn là ảo, nguyên tử không phải là vật thật nên Long Thọ mới phá sự chấp thật về nhân duyên.

Bởi vì vạn vật trong vũ trụ, trong thế gian chỉ là ảo hóa nên kinh điển nói là vô sinh, vạn vật chỉ là tưởng tượng. Mô tả Big Bang của khoa học về sự thành lập vũ trụ cũng chỉ là tưởng tượng của bộ não. Đã là tưởng tượng thì sự sinh, diệt, thường hay đoạn của vũ trụ chỉ là hý luận, không có thực chất. Đó cũng là yếu chỉ của Trung Quán Luận. Tuy nhiên Long Thọ cũng không phủ nhận thế giới, đó chính là ý nghĩa cốt lõi của Trung Quán, phá chấp thật chứ không phải phủ nhận, có nghĩa là nên hiểu rằng cuộc sống của con người diễn ra trong thế giới ảo. Vũ trụ là ảo hóa, vũ trụ là số (digital universe).

Vũ trụ chỉ là tưởng tượng, là ý niệm chứ không có thực chất, các cặp phạm trù mâu thuẫn như Có-Không, Tốt-Xấu, Thiện-Ác…chỉ là khái niệm tương đối không có nghĩa thật. Vì vậy hành giả phải theo trung đạo chứ không theo biên kiến, bởi vì biên kiến là tà đạo. Trung đạo cũng không phải là con đường ở ngay chính giữa, mà ý nghĩa đích thực của Trung đạo là Vô sở trụ tức không có chỗ trụ (non locality).

Vô sở trụ là thế nào ?

Trong thí nghiệm liên kết lượng tử (quantum entanglement) tiến hành năm 2008 do nhà khoa học Nicolas Gisin của đại học Geneva Thụy Sĩ thực hiện, cung cấp cho chúng ta một khái niệm rõ rang về vô sở trụ.

Nicolas Gisin

Ông dùng một cái máy có khả năng cho một hạt photon xuất hiện đồng thời ở hai nơi cách xa nhau 18km. Chúng ta tạm gọi là vị trí A và vị trí B. Khoảng cách A-B là 18km. Khi tác động vào A, thí dụ xoay A theo chiều kim đồng hồ thì lập tức B xoay ngược lại mà không mất chút thời gian nào. Khoảng cách 18km là khá lớn, dù tín hiệu truyền đi nhanh bằng vận tốc ánh sáng thì người ta vẫn nhận biết và đo đạc được vì kỹ thuật hiện đại đã đạt tới độ tinh vi. Nhưng thực tế là không có sự truyền tín hiệu. Người ta rút ra được những kết luận vô cùng cơ bản và đáng kinh ngạc.

1/Vật (hạt photon) là không có thật (non realism) bởi vì người ta có thể tạo ra một hoặc rất nhiều hạt khác xuất hiện đồng thời tại nhiều vị trí khác nhau.

2/Vị trí của hạt là vô sở trụ (non locality) bởi vì hạt có thể đồng thời xuất hiện tại hai hoặc vô số vị trí khác nhau. Do đó khoảng cách 18km cũng chỉ là ảo tưởng chứ không phải có thật. Chính vì khoảng cách không gian không có thật nên sự di chuyển cũng không có thật, không có sự truyền tín hiệu và tác động không mất thời gian. Nếu người ta thực hiện được vô sở trụ thì có thể trong tích tắc từ Địa Cầu đi tới Hỏa Tinh chứ không phải mất 7 tháng đi phi thuyền không gian như hiện nay.

3/Số lượng của vật (hạt photon) là không có thật (non quantity) vì người ta có thể cho hạt xuất hiện đồng thời ở rất nhiều vị trí khác nhau, cũng có nghĩa là một hạt tức là nhiều hạt. Năm 2012 Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow đã tạo ra những trạng thái lượng tử chứa tới 100.000 photon, và tất cả chúng đều bị vướng víu với nhau.

Maria Chekhova của đại học Moscow

100.000 photon ở trạng thái vướng víu (entangled) nghĩa là gì ? Nghĩa là một photon xuất hiện đồng thời ở 100.000 vị trí khác nhau trong không gian. Số lượng vị trí xuất hiện có giới hạn không ? Câu trả lời là không. Bằng chứng ở đâu ? Bằng chứng là thuyết Big Bang. Theo thuyết này, sau vụ nổ, thời gian và không gian đầu tiên xuất hiện như sau : thời gian bằng 10-43 (mười lũy thừa trừ 43) giây, vũ trụ chỉ là một hạt lượng tử có kích thước bằng 10-33(mười lũy thừa trừ 33) cm. Còn trước đó là bức tường Planck, không có không gian, không có thời gian, không có số lượng vật chất gì cả. Người ta tưởng tượng tại bức tường, thời gian là 10-44 (mười lũy thừa trừ 44) giây, đó chỉ là suy luận thôi, thực tế là không có gì cả, vũ trụ chưa bắt đầu hình thành. Sau vụ nổ, vũ trụ mới bắt đầu xuất hiện, bắt đầu có không gian, thời gian và số lượng vật chất, số lượng bắt đầu với chỉ một hạt lượng tử, sau đó xuất hiện khắp vũ trụ với vô lượng vô biên vị trí khác nhau, hình thành nên thiên hà, ngôi sao, mặt trời, hành tinh, trái đất, mặt trăng, vạn vật, con người.

Kết luận                

Pháp thân phi tướng nghĩa là pháp thân của Phật và của chúng sinh vốn là không có hình tướng nhất định, nó còn có tên gọi khác là Tâm. Toàn thể Tam giới cũng chỉ là tâm niệm, Phật, chúng sinh, vũ trụ vạn vật đều là tâm niệm. Vật chất, không gian, thời gian, số lượng, mặt trời, trái đất, mặt trăng, con người, cũng đều là tâm niệm không có thực thể. Hành giả tu tập theo Phật pháp phải ngộ được tánh không không có thực thể này mới có thể giải thoát khỏi tập khí muôn đời vạn kiếp chấp ngã và chấp pháp từ đó mới có thể đạt được tự do tự tại mà không cần tới một chính quyền hay một thể chế chính trị nào ban phát, thậm chí còn đạt được sinh tử tự do như các vị thiền sư Động Sơn Lương Giới hay Ngộ An của thời xưa. Còn nếu cứ chấp vào âm thanh, hình tướng thì không thể giác ngộ.

#shorts, ai là người cho ta pháp thân huệ mạng, bài giảng, báo thân, báo thân là gì, chùa thiền tông tân diệu, diễn đàn đạo phật thiền tông, giải đáp thiền tông, giải đáp đạo phật thiền tông, giảng pháp, giang su thich phap hoa, giáo lý đạo phật khoa học thiền tông, hóa thân, hòa thượng tịnh không, ht thích từ thông, ht tinh khong, ht tịnh không, lời phật dạy, lời phật dạy mỗi đêm, như huyễn thiền sư, pháp, pháp âm, pháp hoà canada, pháp sư tịnh không, pháp sư tịnh không thuyết pháp, pháp thân, pháp thân là gì, phap thoai, pháp thoại, pháp thoại mới nhất, pháp thoại thích pháp hoà, phật giáo, phật giáo đại thừa, phật pháp, phat phap nhiem mau, phật pháp nhiệm màu, phật pháp ứng dụng, phật pháp vấn đáp, phật pháp đại thừa, phương pháp thân nhiệt, phương pháp thoát khổ, ps tinh khong, ps tinh khong moi nhat, sư ông từ thông, thân, thân ảo, thanh tịnh pháp thân phật, thầy thích từ thông, thầy tịnh không, thich phap hoa, thích pháp hoà mới nhất, thich tu thong, thích từ thông, thích từ thông giảng, thích từ thông thuyết giảng, thiền tông tân diệu, thiền tông đất rồng, thuyết giảng, thuyết pháp, tìm hiểu phật giáo, trưởng lão thích từ thông, ứng thân, ứng thân là gì, vấn đáp phật pháp, đại thừa, đại thừa và tiểu thừa, đạo phật, đường giác ngộ
Viết bình luận của bạn:
Zalo
Chuyên Gia Tư vấn Tử Vi Phong Thủy Chú Tiến Ngạn