THẾ GIAN ĐIÊN ĐẢO MỘNG TƯỞNG
19 Tháng 02
Đăng bởi:  NGUYỄN VĂN TIẾN

THẾ GIAN ĐIÊN ĐẢO MỘNG TƯỞNG

Điên đảo mộng tưởng là gì ? Trong Bát Nhã Tâm Kinh có câu : 遠 離 顛倒 夢 想,究竟涅槃 VIỄN LY ĐIÊN ĐẢO MỘNG...

Điên đảo mộng tưởng là gì ?

Trong Bát Nhã Tâm Kinh có câu :

遠 離 顛倒 夢 想,究竟涅槃

VIỄN LY ĐIÊN ĐẢO MỘNG TƯỞNG CỨU CÁNH NIẾT BÀN :

Xa rời cả điên đảo mộng tưởng và cứu cánh niết bàn.

Điên đảo 顛倒 là thế nào ? Điên là cái đỉnh đầu. Đảo là té ngã, đảo ngược. Vậy điên đảo là ngã nghiêng, trạng thái không tỉnh táo như người say rượu. Điên đảo mộng tưởng là giấc mơ ngược ngạo (Upside down dream) không đúng thực tế. Cả câu VIỄN LY ĐIÊN ĐẢO MỘNG TƯỞNG CỨU CÁNH NIẾT BÀN có thể có sự hiểu lầm. Có người nghĩ là Xa rời điên đảo mộng tưởng đạt tới cứu cánh niết bàn. Ý của Bát Nhã Tâm Kinh không phải như vậy. Điên đảo mộng tưởng và Cứu cánh niết bàn là một cặp phạm trù mâu thuẫn có tính tương đối, đối đãi với nhau, một bên là ảo mộng sướng và khổ của thế gian, một bên là niết bàn giải thoát không còn phiền não. Ở trên Kinh đã nói Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không… thì ở đây cũng thế Điên đảo mộng tưởng cũng là cứu cánh niết bàn, không hai (bất nhị) không khác. Cho nên hành giả xa rời, buông bỏ cả hai, mà thật ra cũng không cần buông bỏ, thực tế là không cần buông bỏ chỉ là không cố chấp, buông bỏ chấp trước tưởng mà thôi. Chính vì vậy mà thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền 臨濟義玄đã đưa ra 4 cách đối trị phù hợp với 4 hạng căn cơ trong Tứ Liệu Giản 四料簡

Liệu 料 nghĩa đen là vật liệu chất liệu. Nghĩa bóng là cân nhắc liều lượng

 Giản 簡 nghĩa đen là cái thẻ tre. Nghĩa bóng ở đây là chọn lựa

奪人不奪境  Đoạt nhân bất đoạt cảnh  Bỏ người không bỏ cảnh

 奪境不奪人 Đoạt cảnh bất đoạt nhân  Bỏ cảnh không bỏ người

 人境俱奪      Nhân cảnh câu đoạt          Người và cảnh đều bỏ

 人境俱不奪 Nhân cảnh câu bất đoạt  Người và cảnh đều không bỏ      

Người thế gian điên đảo mộng tưởng như thế nào ?

Con người sinh ra trong thế gian bỗng thấy chung quanh mình có cảnh giới : cái nôi, chiếc giường, mùng mền chiếu gối, nước, sữa, cha mẹ thân nhân…Nó hoàn toàn không hiểu cảnh giới đó từ đâu mà có. Lớn lên chút nữa, nó thấy có phòng ốc, nhà cửa, đường sá, xe cộ, hoa cỏ, cây cối, con chó, con mèo, con chim… Nó ý thức rằng nó có một thân thể và chung quanh nó là cảnh vật nhân tạo và thiên nhiên. Cảnh thiên nhiên to lớn hùng vĩ và đẹp đẽ như rừng cây, sông hồ, núi non, biển cả, bầu trời, mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Rồi nó có ý thức về không gian và thời gian. Không gian là nhà cửa, ruộng vườn, thành phố, đất nước, quả địa cầu. Thời gian là giờ giấc, ngày tháng năm được ghi bằng đồng hồ, lịch và trong trí nhớ.

Nó tin tưởng 100% là tất cả cảnh giới bên ngoài và bên trong thân thể nó đều có thật không chút mảy may nghi ngờ.

Tuyệt đại đa số những con người sống trong thế gian đều tin tưởng giống như nó. Không hề có chút hoài nghi nào về bản thân mình và cảnh giới chung quanh.

Nhưng rồi có những biến cố xảy ra. Chẳng hạn như thân nhân của nó như cha mẹ anh chị em, có người bỗng chết mất vì tai nạn, vì bệnh tật khiến nó đau buồn. Rồi có những thiên tai xảy ra, chẳng hạn mưa bão lụt lội khiến nhà sập, tài sản bị cuốn trôi. Động đất, sóng thần cũng gây ra bao nhiếu mất mát. Rồi dịch bệnh xảy ra khiến cho người chết quá nhiều không kiểm soát nổi. Những điều đó khiến nó khổ.  

Trong cuộc sống bình thường hàng ngày thì sự nghèo đói, thiếu thốn hoặc bệnh tật cũng khiến nó cảm thấy phiền não. Nếu không chết đói hay bị tai nạn hoặc bệnh tật thì sống tới già quá thì cũng phải chết. Hễ có sinh thì có tử, không ai thoát chết cả. 

Những cuộc biến đổi lớn, trong sách sử, thi ca phương đông gọi là cuộc bể dâu. Ý nói ruộng dâu biến thành biển xanh hoặc ngược lại. Ngày nay thì nói là biến đổi khí hậu khiến cho bầu không khí nóng lên, băng ở hai cực tan chảy, nước biển dâng cao làm ngập các đồng bằng ven biển.     

Số đông người thì vẫn cứ chấp nhận cuộc sống là như vậy. Họ cho rằng Trời Đất đã sắp đặt như thế thì con người phải chấp nhận thôi. Một số ít thì có suy nghĩ mang tính triết học. Một số người có khuynh hướng khoa học muốn đi tìm nguồn gốc của Trời Đất, nguồn gốc của sinh vật và con người. Một số nhà triết học thì nêu lên vấn đề cuộc sống có phải là sự thật hay không mà sao mong manh quá.

Có một nhà tu hành dùng thiền định quán chiếu đến tận bản thể của tất cả các pháp thì phát hiện rằng tất cả mọi cảnh giới đều chỉ là khái niệm, là tưởng tượng chứ không có thực thể. Nghĩa là mọi cảnh giới chỉ là điên đảo mộng tưởng chứ không phải có thật. Người đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và tất cả mọi cảnh giới chúng ta thấy chung quanh mình được gọi là thế lưu bố tưởng 世流布想 nghĩa là tưởng tượng đã được lưu truyền phổ biến trên thế gian đến mức mọi người đều tin rằng đó là sự thật 100%.

Khoa học nghiên cứu nguồn gốc vũ trụ và sinh vật

Về vấn đề nguồn gốc vũ trụ

Lý thuyết Big Bang đã đẩy vũ trụ học tới giới hạn của nhận thức: đó là điểm ban đầu của vũ trụ, được gọi là “nguyên tử nguyên thủy” (primeval atom) hoặc điểm kỳ dị (singularity point). Theo lý thuyết này, vũ trụ ban đầu là một điểm siêu vật chất (một điểm tập trung vật chất với mật độ lớn ở mức không thể tưởng tượng được), rồi sau một vụ nổ lớn (big bang) nó bừng nở ra rồi “tiến hóa” dần thành vũ trụ như ngày nay.

Nhiều người nói Lý thuyết Big Bang là lý thuyết về Nguồn gốc Vũ trụ, điều đó không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng, vì lý thuyết này không hề giải thích nguồn gốc điểm ban đầu của vũ trụ. Nó chỉ mô tả lịch sử của vũ trụ kể từ điểm ban đầu đó về sau mà thôi. Mặc dù hiện nay xuất hiện nhiều ý kiến phê phán thậm chí bác bỏ Lý thuyết Big Bang, nhưng khốn thay, có nhiều lý do để lý thuyết này vẫn đứng vững:

Rất khó bác bỏ những lập luận toán học chính xác của Lý thuyết Big Bang. Cụ thể: Việc giải phương trình trường trong Thuyết tương đối tổng quát của Einstein rút ra những nghiệm tương ứng với một vũ trụ giãn nở.

Quan sát thiên văn của Edwin Hubble cho thấy quả thật vũ trụ giãn nở.  

Tính toán của Stephen Hawking và Roger Penrose trong những năm 1968-1970 cũng đi đến kết luận khẳng định rằng sự khởi đầu của vũ trụ là không thể tránh được.

Quan điểm cho rằng vũ trụ có khởi đầu và có quá trình phát triển phù hợp với Định luật 2 của Nhiệt động lực học, và phù hợp với quan sát thiên văn hiện đại.

Quan sát thiên văn hiện đại của Saul Perlmutter (đoạt Giải Nobel vật lý năm 2011) cho thấy vũ trụ không chỉ giãn nở, mà thậm chí giãn nở gia tốc.

Vũ trụ học hiện đại cũng phát hiện được những vi sóng phát đi từ vụ nổ lớn từ thủa sơ sinh của vũ trụ, xác nhận tiên đoán của Lý thuyết Big Bang.

Cho đến nay vẫn không có một lý thuyết vũ trụ học nào tốt hơn Lý thuyết Big Bang.

Nhưng Lý thuyết Big Bang nêu lên một thách đố: Nguồn gốc điểm ban đầu của Vũ Trụ từ đâu mà có và ai đã tạo ra Vụ Nổ Lớn?

Câu hỏi thách đố ấy đã chia rẽ giới khoa học thành 2 trường phái đối lập:

Trường phái sáng tạo (Creationism) thừa nhận rằng điểm ban đầu của vũ trụ là giới hạn của khoa học duy lý.

Đối với nhà khoa học sống bằng niềm tin vào lý lẽ, câu chuyện kết thúc giống như một giấc mơ buồn. Anh ta đã leo lên ngọn núi vô minh; sắp chinh phục được đỉnh cao nhất; nhưng khi trèo lên tảng đá cuối cùng, anh ta lại được chào đón bởi một nhóm các nhà thần học đã ngồi ở đó từ hàng thế kỷ nay” (For the scientist who has lived by his faith in the power of reason, the story ends like a bad dream. He has scaled the mountains of ignorance, he is about to conquer the highest peak; as he pulls himself over the final rock, he is greeted by a band of theologians who have been sitting there for centuries)

Trường phái duy lý (rationalism) không chịu thừa nhận điểm ban đầu của vũ trụ là giới hạn của nhận thức khoa học. Họ muốn tìm ra nguyên nhân của điểm ban đầu, tức là nguồn gốc của vũ trụ. Để thoát khỏi cái bẫy do chính khoa học đặt ra – điểm ban đầu của vũ trụ – họ bắt đầu SÁNG TÁC RA CÁC GIẢ THUYẾT MỚI.

Stephen Hawking cũng rất hăng hái bảo vệ chủ nghĩa duy lý trước “bước đường cùng” do Lý thuyết Big Bang đẩy tới.

Thật vậy, trong cuốn “Thiết kế Lớn” (Grand Design), ông lớn tiếng nói: “Vì có một định luật như luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không”. 

(Phần Nguồn gốc Vũ trụ trích từ Phạm Việt Hưng)

Về vấn đề nguồn gốc sinh vật

Thuyết sinh vật tiến hóa của Charles Darwin giải thích rằng do vật chất tự vận động các nguyên tử vô cơ (inorganic atoms) ngẫu nhiên kết hợp thành các phân tử hữu cơ (organic molecules), đó là chất sống đầu tiên là acid amin :

 

Rồi các phân tử chất sống dần dần kết hợp thành sinh vật đơn bào rồi tiến hóa dần đến sinh vật đa bào, sinh vật có xương sống và cuối cùng thành con người.

Nhưng về sau thuyết Sinh vật tiến hóa của Darwin bị nhiều phản bác. Người ta cho rằng xác suất để các nguyên tử vô cơ ngẫu nhiên kết hợp thành phân tử hữu cơ là cực kỳ thấp gần bằng 0 nên đó chỉ là một giả thuyết không đúng thực tế. Và sự tiến hóa của sinh vật cũng chỉ là một giả thuyết không đúng thực tế. Các hóa thạch của các côn trùng như con gián, con dế có niên đại hàng trăm triệu năm hoàn toàn giống với con gián, con dế hiện nay, không hề có tiến hóa. Sự tiến hóa từ con vượn đến con người cũng không thuyết phục vì thiếu bằng chứng, người ta không tìm thấy hóa thạch trung gian thể hiện các giai đoạn tiến hóa.

Thế nên việc giải thích nguồn gốc sinh vật cũng bế tắc.      

Khoa học duy lý cảm thấy bế tắc vì định luật bất toàn

Định lý bất toàn (Incompleteness theorem) do Kurt Gödel nêu ra năm 1931 làm sụp đổ tất cả các lâu đài khoa học và triết học mà con người đã xây dựng từ hàng ngàn năm nay, từ đó suy ra các hệ quả như :

Computer sẽ không bao giờ thông minh như con người, và bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu đầy đủ về chính bạn. Không tồn tại Lý thuyết về mọi thứ. Siêu-toán-học là một giấc mơ không tưởng. Không thể giải thích nguyên nhân đầu tiên. Không thể có lý thuyết cuối cùng. Bộ não là một chiếc máy tính được kết nối với một thần thức. Thế giới thực tại rộng hơn nhận thức của con người. Nhận thức của con người rộng hơn tư duy lý lẽ. Tư duy lý lẽ rộng hơn tư duy duy vật… Muốn đến gần thực tại hơn, con người phải tự giải thoát khỏi cái khung chật hẹp của chủ nghĩa duy vật, của tư duy lý lẽ, bay lên những tầng cao hơn của thế giới bằng đôi cánh của trực giác và cảm xúc …

Mọi nhận định ở trên đều là hệ quả triết học trực tiếp hoặc gián tiếp của Định lý Bất toàn của Gödel – một định lý đóng vai trò nền tảng trong khoa học nhận thức hiện đại. Không thể có một cái nhìn đúng đắn về thế giới nếu không hiểu Định lý Gödel.

Phát biểu của định lý bất toàn : “Bất kỳ lý thuyết nào được tạo ra một cách hiệu quả đủ khả năng biểu diễn số học sơ cấp đều không thể vừa nhất quán vừa đầy đủ. Đặc biệt, đối với bất kỳ lý thuyết hình thức nào nhất quán, được tạo ra một cách hiệu quả cho phép chứng minh một số chân lý số học căn bản, sẽ có một mệnh đề số học đúng nhưng không thể chứng minh trong lý thuyết ấy.”

Ý nói là không có bất kỳ hệ thống lý luận nào đầy đủ trọn vẹn mà không có mâu thuẫn. Nhà toán học Bertrand Russell (1872-1970) đã minh họa cho ý tưởng bất toàn này bằng câu chuyện Người thợ cạo thành Seville :

Chuyện kể rằng trong 1 thị trấn nhỏ chỉ có 1 người đàn ông duy nhất làm nghề thợ cắt tóc, cạo râu. Tất cả những người đàn ông trong thị trấn chia thành 2 nhóm : nhóm A tự cắt tóc cạo râu cho mình, nhóm B nhờ ông thợ cạo này cắt tóc cạo râu cho. Bác thợ cạo này đã tuyên bố “Tôi chỉ cắt tóc cạo râu cho tất cả những ai ở thành Seville này không tự cắt tóc cạo râu được.” Mâu thuẫn phát sinh là không biết phải xếp bác thợ cạo này vào nhóm nào? Nếu ông tự cắt tóc cạo râu cho mình thì phải xếp ông vào nhóm A nhưng điều đó mâu thuẫn với tuyên bố “ tôi chỉ cắt tóc cạo râu cho những ai không tự mình cắt cạo được” nếu ông tự cắt cạo được thì ông cũng không thể làm cho mình vì trái với tuyên bố. Như vậy phải xếp ông vào nhóm B. Nhưng cũng không được, vì nhóm B phải nhờ ông cắt cạo cho, mà khi ông cắt cạo cho mình thì cũng là tự cắt tóc cạo râu, vậy phải xếp ông vào nhóm A. Rốt cuộc đó là mâu thuẫn vô phương giải quyết, xếp ông vào nhóm nào cũng mâu thuẫn với tuyên bố.

Khi khoa học đã bế tắc về việc giải thích nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc con người, tức là chủ nghĩa duy vật, coi vật chất là nền tảng của thế giới đã thất bại, một số người đã trở lại với các tôn giáo, chẳng hạn Phật giáo, để lắng nghe xem bên phía Tâm học giải thích thế nào.

Một trong những nhà sáng tạo tông giáo vĩ đại nhất là Đức Phật đã nói đại khái là : Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Nhất thiết duy tâm tạo. Như thế vũ trụ vạn vật và con người là do tâm tạo, tâm tưởng tượng ra chứ không phải có thật. Nhưng nguồn gốc của tâm là gì ở đâu ra? Câu trả lời là Vô sinh pháp nhẫn.        

Vô sinh pháp nhẫn 無生法忍(Sanskrit:anutpattika-dharma-kṣānti)là một thuật ngữ Phật giáo xuất phát từ Kinh Đại Bát Nhã 大般若經 quyển 449 Phẩm Chuyển Bất Chuyển 轉不轉品

Vô sinh nghĩa là không có sinh khởi, không có bắt đầu, không do cái gì sinh ra cũng tức là không có thật mà cũng không phải là giả. Đó là một trạng thái tuyệt đối bất nhị, bất biến, không có chuyển động, không thay đổi. Trạng thái đó gọi là pháp nhẫn. Nhẫn tức là bất biến, không có chuyển động, không lay động, không thay đổi (constant). Thuật ngữ này để diễn tả Tâm bất nhị vô sinh vô diệt không thay đổi.

Long Thọ Bồ Tát nói rằng : Tâm như hư không vô sở hữu 心如虛空無所有 (Tâm giống như hư không không có thật).

Người tu theo Phật giáo là muốn phát hiện cái tâm này, đó mới thực sự là ta cũng là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Trong lịch sử thiền tông, Ngài Động Sơn Lương Giới (807-869), khi kiến tánh có làm bài kệ :

切忌从他觅  Thiết kị tòng tha mích (mịch) Rất kị tìm cầu ở người khác

迢迢与我疏  Điều điều dữ ngã sơ           Như vậy là xa với chính mình

我今独自往  Ngã kim độc tự vãng         Nay ta tự mình đến

处处得逢渠  Xứ xứ đắc phùng cừ          Khắp nơi đều gặp nó

渠今正是我  Cừ kim chính thị ngã         Nó chính là mình đây

我今不是渠  Ngã kim bất thị cừ             Mà mình không phải là nó

应须恁么会  Ưng tu nhẫm ma hội           Phải ngộ được như thế

方得契如如  Phương  đắc khế như như   Mới khế hợp với chân như 

Ý bài kệ nói rằng cái ta giả của mình không phải là toàn bộ cái tâm mặc dù ta là do tâm tạo ra. Tâm tạo ra vũ trụ vật lý mà con người đang sống trong đó nhưng vũ trụ vật lý không phải là toàn bộ cái tâm. Tâm không tùy thuộc vào số lượng, không phải lớn cũng không phải nhỏ, không tùy thuộc vào không gian và thời gian.  

Tóm lại câu trà lời của Phật giáo là Vũ trụ vạn vật là do tâm tưởng tượng ra chứ không phải có thật. Tâm cũng tức là Phật, là tánh giác, tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh cảm giác. Tánh đó gọi chung là vô sinh pháp nhẫn, bất biến, không do cái gì sinh ra, cũng không trở thành cái gì, nó vô ngã, vô pháp nhưng lại có công năng tưởng tượng ra vạn pháp, nó tạo ra các cặp phạm trù mâu thuẫn như âm dương, ta người, sáng tối, có không, thật giả…Nó tạo ra tứ tướng (ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng).  Nguyên tử nguyên thủy (primeval atom) hoặc điểm kỳ dị (singularity point) cũng là do tâm tưởng tượng ra. Còn tâm là gì từ đâu sinh ra thì là Vô sinh pháp nhẫn. Vậy câu trả lời của Phật giáo có căn cứ khoa học không ? Xin thưa là Có. Ngày nay với sự phát triển của cơ học lượng tử, người ta tìm thấy chứng cứ khoa học của thuyết Nhất thiết duy tâm tạo và ứng dụng được nó trong việc phần nào làm triệt tiêu được khoảng cách không gian và thời gian với việc chế tạo ra chiếc điện thoại thông minh (smartphone) và mạng internet toàn cầu.

Vũ trụ vạn vật cấu tạo bằng những hạt cơ bản như photon, electron, quark. Những hạt cơ bản này chỉ xuất hiện khi có người hay thiết bị quan sát. Nếu không thì chúng chỉ là sóng tiềm năng vô hình, vô dạng chỉ có thể nhận biết một cách gián tiếp. Bởi vì khi trực tiếp quan sát thì sóng biến thành hạt. Thí nghiệm hai khe hở (double slit experiment) chứng tỏ điều đó. Thí nghiệm này chứng tỏ tâm tưởng tượng ra hạt chứ hạt không có thật. Các nhà vật lý tìm hiểu vật chất đến chỗ tận cùng thì kinh ngạc và cực kỳ sốc vì vật chất không có thực thể, các hạt cơ bản khi bị cô lập (tách rời khỏi người hoặc thiết bị quan sát) thì không phải là vật mà chỉ là khái niệm trừu tượng. Vì vậy Niels Bohr nói : “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập thì trừu tượng- tức không phải vật thật). Đây chính là chỗ mà Phật pháp nói là Nhất thiết duy tâm tạo. Và Niels Bohr đưa ra một nhận định gây khủng hoảng cho giới khoa học (ảnh).

 

“Mọi thứ chúng ta gọi là có thực được cấu tạo bằng những thứ không được xem là thật. Nếu cơ học lượng tử chưa gây shock một cách sâu sắc cho bạn thì có nghĩa là bạn chưa hiểu gì về nó.”   

Ngoài ra Phật pháp cũng nói Nhất thiết pháp vô tự tính 一切法無自性 Câu này phải hiểu một cách sâu xa là các hạt cơ bản của vật chất không có sẵn đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số đo spin. Các đặc trưng chỉ xuất hiện khi có người quan sát, khi sóng đã biến thành hạt và hạt mới có đặc trưng do người quan sát tưởng tượng ra. Tưởng tượng này là do tập khí, thói quen lâu đời của người quan sát tạo ra và thuật ngữ Phật giáo gọi là Thế lưu bố tưởng 世流布想 Thế lưu bố tưởng khác xa với tưởng tượng thuần túy của ý thức gọi là Chấp trước tưởng 執著想 Ví dụ : Bản thân cái bàn là thế lưu bố tưởng còn suy niệm về cái bàn là chấp trước tưởng.

Cuộc tranh luận khoa học lớn nhất thế kỷ 20 giữa hai nhà khoa học hàng đầu thế giới Niels Bohr và Albert Einstein chính là về vấn đề hạt cơ bản có sẵn đặc trưng hay không. Lúc hai ông còn sống thì cuộc tranh luận bất phân thắng bại, nó vẫn chưa ngã ngũ khi cả hai ông đều qua đời (Einstein mất năm 1955, Bohr mất năm 1962). Mãi tới năm 1982 thì Alain Aspect tiến hành cuộc thí nghiệm về liên kết lượng tử tại Paris mới xác định phần thắng nghiêng về Bohr, quan điểm duy vật khách quan của Einstein cho rằng hạt cơ bản như photon hay electron luôn luôn có sẵn đặc trưng là sai. Hiện tượng liên kết lượng tử (quantum entanglement) là có xảy ra.

Một hạt photon có thể xuất hiện đồng thời ở hai vị trí khác nhau, ví dụ vị trí A và B. Khi tác động vào A, chẳng hạn xoay hạt về phía phải thì tức thời B xoay về phía trái không mất chút thời gian nào. Sau này vào năm 2008 Nicolas Gisin của đại học Geneva có làm lại thí nghiệm, cho A và B cách xa nhau 18km, kết quả vẫn như vậy. Và gần đây năm 2017 khi TQ phóng vệ tinh lượng tử đầu tiên của thế giới lên không gian, họ làm lại thí nghiệm với A và B cách xa nhau 1200km, kết quả vẫn như vậy, sự liên kết giữa hai vị trí không mất chút thời gian nào.

Năm 2012 Bà Maria Chekhova của đại học Moskva làm thí nghiệm cho một photon xuất hiện đồng thời ở 100.000 vị trí khác nhau, tất cả các vị trí đều liên kết với nhau.

Từ thí nghiệm liên kết lượng tử do  Alain Aspect tiến hành năm 1982 giới khoa học đã rút ra được 3 kết luận quan trọng cực kỳ cơ bản về thế giới :

1/Hạt cơ bản hay vật không có thật (non realism)

2/Không gian, thời gian (space-time) không có thật (non locality= vô sở trụ 無所住)

3/Số lượng không có thật (non quantity)

Như vậy các nhà khoa học lượng tử ngày nay đã hiểu rằng không gian, thời gian chẳng những khả biến mà còn là không có thật.

Ba kết luận này khiến cho các ngành khoa học cơ bản của nhân loại đều trở nên tương đối, nghĩa là chỉ có giá trị giới hạn mà thôi không phải lúc nào cũng đúng.

Khoa toán học từ trước đến nay đều cho là tuyệt đối chính xác nay không còn hoàn toàn đúng vì số lượng không có thật. Một hạt photon, một nguyên tử hay một vật thể có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều vị trí khác nhau. Người ta không thể xác định chính xác có bao nhiêu con virus corona chủng mới hay số lượng châu chấu đang lan tràn thành nạn dịch trên thế giới. Một nguyên tử nguyên thủy (primeval atom) đã biến thành vũ trụ với vô số lượng nguyên tử. Một cũng tức là nhiều.

Khoa vật lý học cũng trở nên mơ hồ vì nền tảng của nó là không gian, thời gian và vật chất đều do tâm tạo, không có thật. Hai thí nghiệm khoa học : liên kết lượng tử (quantum entanglement) và thí nghiệm hai khe hở (double slit experiment) đã cho thấy rõ ràng.

Khoa sinh học càng trở nên mông lung hơn khi thuyết sinh vật tiến hóa của Darwin bị quá nhiều phản bác. Nó chỉ còn là một giả thuyết không thể chứng minh, không đúng thực tế.

Nguồn gốc của vũ trụ và nguồn gốc của sinh vật không thể xác định rõ ràng bằng bất cứ hệ thống lý luận lô gích nào. Bởi vì mọi hệ thống đều dựa trên tiên đề và các tiên đề thì không thể chứng minh mà chỉ là tạm tin thôi và luôn luôn có xảy ra mâu thuẫn trong lý luận mà định lý của Godel đã nêu ra.

Kết luận

Bát Nhã Tâm Kinh nói người thế gian điên đảo mộng tưởng bởi vì họ không biết rằng thế giới họ đang sống là do tâm tạo, tâm tưởng tượng ra chứ không phải cứng chắc vững bền dù rằng cũng có những loại vật chất khá kiên cố như vàng, đá. Tâm cố chấp kiên cố khiến cho vật chất cũng kiên cố, chẳng hạn những loại hạt như proton, neutron là rất kiên cố, chúng khiến cho hạt nhân nguyên tử khó bị phá vỡ. Tuy khó nhưng cũng không phải là không thể bị phá vỡ nếu biết cách. Chẳng hạn khoa học đã biết cách phá vỡ hạt nhân của nguyên tử Uranium 238

 

Hạt nhân nguyên tử Uranium 238 bị phá vỡ (phân rã =decay event) cho ra 2 nguyên tử : Helium (He) và Thorium (Th)

Phản ứng này còn giải phóng một năng lượng rất lớn mà con người đã lợi dụng để xây dựng những nhà máy điện nguyên tử, tiến hành phân rã hạt nhân có kiểm soát, sản sinh năng lượng và biến năng lượng đó thành điện năng.

Nếu làm chủ được tâm thì một vài người có đặc dị công năng có thể điều khiển được cả một khối lượng vật chất chẳng hạn như cơ thể của chính mình.

Hầu Hi Quý có thể biến mất ở chỗ này xuất hiện ở chỗ khác trong tức thời 

Những động thái kể trên chứng tỏ rằng cảnh giới vật chất là vô thường huyễn ảo không phải tuyệt đối có thật, nhưng người thế gian lại tin chắc 100% là cảnh giới vật chất có thật. Vì vậy kinh Bát Nhã mới nói đó là điên đảo mộng tưởng 顛 倒 夢 想 (Upside down dream) lầm tưởng cho rằng cái ảo giả là thật. Người thế gian cứ mê muội tin như vậy nên họ khổ, họ bị phiền não đến mức nhà thơ thời Đường là Vương Duy 王维 trong bài Thán bạch phát 歎白髮 (than tóc bạc) nói rằng :  

一生幾許傷心事 Nhất sinh kỷ hử thương tâm sự  Ở đời bao chuyện thương tâm

不向空門何處銷  Bất hướng không môn hà xứ tiêu  Không về cửa Phật biết làm sao khuây?

Cuộc sống trên thế gian sướng hay khổ là do tâm tưởng tượng, do tập khí, do nghiệp, không phải là sự thật, không có thực chất. Nên kinh Bát Nhã nói :

觀自在菩薩,行深般若波羅蜜多時,照見五蘊皆空,度一切苦厄

QUÁN TỰ TẠI BỔ TÁT, HÀNH THÂM BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA THỜI, CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG, ĐỘ NHẤT THIẾT KHỒ ÁCH

Bồ Tát Quán Tự Tại (tức Quán Thế Âm) khi thực hành thâm sâu phép quán Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức dùng trí bát nhã soi thấu bản thể của thế giới, thì thấy Ngũ Uẩn đều là không, nên giải thoát được tất cả mọi khổ nạn.

Giải thoát được tất cả mọi khổ nạn đơn giản chỉ là thấu suốt khổ nạn chỉ là điên đảo mộng tưởng, không có thật. Cũng như toàn bộ cảnh giới thế gian, vũ trụ vạn vật đều là cảnh tượng ảo hóa, không phải có thật. Tuy nhiên vì tâm của con người đã có một thói quen tưởng tượng trải qua rất nhiều đời nhiều kiếp mà kinh Phật gọi là thế lưu bố tưởng, nên mọi người đều thấy giống y như là có thật, và vui mừng hay đau khổ tùy theo cảnh giới đó làm cho họ yêu thích hay sợ hãi. Vì thế  Kinh Kim Cang nói :

一 切 有 爲 法 Nhất thiết hữu vi pháp,      Tất cả pháp hữu vi

如 夢 幻 泡 影 Như mộng huyễn bào ảnh  Như mộng, huyễn, bọt, bóng,

如 露 亦 如 電 Như lộ diệc như điện,         Như sương, như điện chớp,

應 作 如 是 觀 Ưng tác như thị quán.         Hãy quán chiếu như thế.

Mọi người hãy phát khởi nghi tình, nghi ngờ các giác quan mắt thấy tai nghe của mình chỉ là mộng tưởng và đừng quá lo âu sợ hãi trước mọi biến cố.

Viết bình luận của bạn:
Zalo
Chuyên Gia Tư vấn Tử Vi Phong Thủy Chú Tiến Ngạn